Thứ Năm, 17/7/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng nay (ngày 16/6), Quốc hội đã thông qua các Luật gồm: Luật Quảng cáo, Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Nhà giáo và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Với 453/461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,77% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Báo cáo đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn.
Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, cụ thể là nội dung liên quan đến bổ sung nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành vi quảng cáo sai sự thật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất các chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
Về trách nhiệm liên đới bồi thường, để thực hiện việc quảng cáo một sản phẩm thì có nhiều chủ thể tham gia; mỗi chủ thể đều có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Khi có sai phạm thì tùy theo tính chất, mức độ của sai phạm mà sẽ phải chịu hình thức xử lý tương ứng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ quy định như dự thảo Luật.
Về siết chặt quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo hướng chỉ những người có chuyên môn liên quan đến sản phẩm mới được chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến: hiện nay, trong cơ chế thị trường, việc tham gia hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng là hoạt động thương mại có ý nghĩa tích cực, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Dự thảo Luật đã quy định bổ sung các nghĩa vụ người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải thực hiện để quản lý chặt chẽ hơn. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ quy định không hạn chế quảng cáo đối với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng.
Về nội dung làm rõ tính khả thi của quy định yêu cầu người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải có nghĩa vụ xác minh độ tin cậy của người quảng cáo (điểm a khoản 3 Điều 15a), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả, hàng nhái. Trong đó, nghĩa vụ “xác minh độ tin cậy của người quảng cáo” nhằm tăng cường trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo với cộng đồng, xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ quy định như dự thảo Luật.
Về quảng cáo trên mạng, cụ thể là nội dung đánh giá tính khả thi của quy định “không quảng cáo trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, nền tảng số vi phạm pháp luật”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm như dự thảo, theo đó, pháp luật hiện hành đã quy định nội dung này và đang được thực thi hiệu quả để khắc phục tình trạng mất an toàn thương hiệu khi các nhãn hàng của Việt Nam bị gắn vào nội dung không phù hợp, tin giả nhằm chống phá Đảng và Nhà nước.
Thông qua Luật Việc làm (sửa đổi)
Với 455/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 95,19%, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm (sửa đổi). Luật gồm 8 chương, 55 Điều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Trước đó Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tóm tắt Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Theo đó cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu tối đa ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý kỹ thuật đối với toàn bộ dự thảo Luật để hoàn thiện văn bản trình Quốc hội bảo đảm rõ ràng về văn phong, sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Về chính sách của Nhà nước về việc làm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng: Dự thảo Luật quy định các chính sách hỗ trợ việc làm cho tất cả người lao động, không có sự phân biệt; Các chính sách hỗ trợ việc làm đối với người khuyết tật; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng bởi sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị… đã được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Người khuyết tật năm 2010, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, về lao động, về giáo dục nghề nghiệp, về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.
Về đối tượng vay vốn chính sách hỗ trợ tạo việc làm, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng giao Chính phủ, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu cho vay vốn giải quyết việc làm, để quyết định mở rộng đối tượng được vay với mức lãi suất thấp hơn và thể hiện tại điểm đ khoản 3 Điều 9 và điểm c khoản 4 Điều 9.
Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật bởi qua chỉ đạo rà soát nhận thấy rằng: Mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 3 tháng tương đối phù hợp với thông lệ quốc tế và các mức trợ cấp mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành. Mức này bảo đảm cho người lao động giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống trong thời gian thất nghiệp cho tới khi tìm được việc làm mới; phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và khả năng cân đối thu chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng cho biết, việc Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư thời gian qua chủ yếu được tích lũy từ giai đoạn trước, do được Ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng năm, khi đó, số đối tượng thụ hưởng các chế độ còn ít. Nhưng từ năm 2020 đến nay thì số thu và chi bảo hiểm thất nghiệp hằng năm là cân bằng nhau.
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của các quốc gia thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp hoặc bảo hiểm việc làm (Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…) và quy chuẩn quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp thì mức trợ cấp thất nghiệp không ít hơn 45% của thu nhập trước đó hoặc không ít hơn 45% của tiền lương tối thiểu theo quy định hoặc của tiền lương của người lao động bình thường nhưng không ít hơn mức sống cơ bản tối thiểu; thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 12 tuần (3 tháng) trong thời kỳ 12 tháng.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động (Điều 47 và Điều 48) quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên (mỗi năm làm việc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương (50% mức tiền lương) và trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên (mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương (100% mức tiền lương)) nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương (tối thiểu 200% mức tiền lương).
Thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Với 466/466 đại biểu (đạt tỷ lệ 100%) có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Dự thảo Luật thể hiện tư duy đổi mới nhằm hướng đến quản trị địa phương hiện đại, kiến tạo phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong kỷ nguyên mới của đất nước. Việc xây dựng Luật này còn mang ý nghĩa lịch sử rất lớn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Báo cáo đã làm rõ nhiều nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn.
Theo Báo cáo, việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp là một bước cải cách quan trọng và có tính chất lịch sử. Để đảm bảo sự liên tục, thông suốt và ổn định trong quá trình chuyển đổi này, dự thảo Luật đã quy định đầy đủ, bao quát và có tính đến các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn, từ việc tổ chức bộ máy, nhân sự cho đến quy trình xử lý hành chính và cơ chế hoạt động.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và căn cứ Kết luận số 167-KL/TW ngày 13/6/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung các quy định. Theo đó, Quy định chuyển tiếp đối với các phường thuộc TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền đô thị (hiện nay đang chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND) sang mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương (có đầy đủ HĐND và UBND) được vận hành thông suốt, hiệu quả kể từ ngày 1/7/2025.
Quy định chuyển tiếp trong việc bàn giao công việc, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính từ chính quyền địa phương cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động bảo đảm không làm gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, đột xuất mà chưa có trong quy định của pháp luật, dự thảo Luật đã thiết lập cơ chế linh hoạt, chủ động theo hướng cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã theo quy định tại Luật này.
Thông qua Luật Nhà giáo, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026
Với 451/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 94,35%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Nhà giáo. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 9 chương, 42 điều, giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 9 và giảm 8 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 8.
Một trong những chính sách nổi bật của Luật Nhà giáo là quy định về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Theo đó, Điều 23 của luật quy định, tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định như: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động. Nhà giáo công tác ở ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định của pháp luật và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo. Luật Nhà giáo giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Liên quan nội dung dạy thêm, học thêm, Luật Nhà giáo không quy định cấm việc dạy thêm, học thêm, chỉ quy định nhà giáo không được ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan và trục lợi từ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Luật Nhà giáo cũng có các quy định giải quyết cơ chế điều chuyển nhà giáo giữa các khu vực, vùng, miền. Cụ thể, Luật Nhà giáo giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều động, thuyên chuyển nhà giáo để thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương, đồng thời giải quyết các trường hợp khác nhau phát sinh trong thực tiễn.