Đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi

T.D| 12/01/2022 15:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi sau những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Theo đó, Ban IV cho biết, năm 2022 đã được Thủ tướng nhấn mạnh và giao nhiệm vụ là năm của “phục hồi phát triển”. Với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Chính phủ, tất cả các ngành kinh tế đều phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ này. Ngành Du lịch cũng không phải ngoại lệ khi đặt mục tiêu đón 65 triệu lượt khách du lịch, bằng 150% so với năm 2021 và đặt mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng.

Nhiều xu hướng, nhu cầu du lịch mới

Trên cơ sở phân tích câu trả lời của 10.717 người, đặt dưới sự so sánh, đối chiếu với 3 lần khảo sát nhu cầu khách du lịch trước đó để làm căn cứ xây dựng những đề xuất, kiến nghị thực tiễn nhất trình Thủ tướng Chính phủ và gửi thông điệp cho các doanh nghiệp du lịch cũng như các đề xuất định hướng truyền thông. Kết quả khảo sát cho thấy gần 90% số người khảo sát muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó có tới 53,7% muốn đi du lịch ngay trong giai đoạn từ tháng 12/2021 tới các tháng đầu năm 2022. Điều này cho thấy, nhu cầu du lịch của người dân như chiếc “lò xo bị nén” có thể bật mạnh. Cơ hội phục hồi du lịch nội địa được đánh giá là rất khả quan một khi tình hình “bình thường mới” đi vào ổn định. Tiêu chí “an toàn dịch bệnh” là mối ưu tiên cao nhất của du khách khi lên các kế hoạch đi du lịch trong điều kiện bình thường mới, với 56% số người lựa chọn, nhiều hơn lựa chọn các tiêu chí về giá, điểm đến hay sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, du lịch ngắn ngày là xu hướng chính: Khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2 - 3 ngày. Xu hướng đi du lịch theo nhóm nhỏ thân quen là lựa chọn chính khi khoảng 78% số người trả lời lựa chọn đi theo nhóm gia đình (59% du khách Hà Nội lựa chọn) hoặc nhóm bạn bè. Cơ hội đầu tư phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng có dịch vụ phù hợp với khách du lịch theo nhóm gia đình 3 thế hệ, nằm trong bán kính 3-4 tiếng chạy xe tính từ 2 trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng cao.

Đi du lịch bằng máy bay và xe riêng vẫn là ưu tiên khi 65% du khách lựa chọn, nhất là du khách Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghỉ dưỡng biển vẫn luôn là nhu cầu lớn nhất với 64% khách lựa chọn. Xu hướng khám phá thiên nhiên (56%) tăng nhiều so với lần khảo sát trước đây. Nhu cầu thưởng thức ẩm thực (47%) luôn là ưu tiên của du khách Việt, nhất là khách du lịch các tỉnh. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều mối lo ngại của du khách cần được giải tỏa để yên tâm du lịch, trong đó du khách lo ngại nhiều nhất là khi đi du lịch sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà (87%); nguy cơ bùng phát dịch trong khi đi du lịch (61%) và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương (54%).

Cần thông tin đầy đủ

Từ kết quả khảo sát nêu trên, Ban IV và Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số kiến nghị. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp rất mong Chính phủ kiên định với việc áp dụng Nghị quyết 128 để ngành Du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong trường hợp cần sửa đổi, nâng cấp Nghị quyết này thì tiếp tục duy trì tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh” để người dân và doanh nghiệp có thể vận hành công việc, cuộc sống trong bối cảnh dịch một cách chủ động, hiệu quả. Đồng thời, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương muốn mở cửa đón khách du lịch cần thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, nghĩa là cùng một cấp độ an toàn dịch thì phải có cùng quy định giống nhau, không đưa ra những quy định riêng của địa phương mà không nhất quán với quy định chung của Chính phủ.

Đại diện TAB cho rằng, cần một trang thông tin đăng tải toàn bộ những nội dung, quy định liên quan tới việc mở cửa du lịch, kế hoạch mở cửa từ Trung ương và các địa phương để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Trong đó, có các thông tin vùng vàng, xanh, đỏ...; thủ tục giấy tờ như thế nào, có phải cách ly không, có cần kết quả xét nghiệm COVID-19 không; nơi nào mở, nơi nào chưa mở... Chứ như hiện nay, doanh nghiệp du lịch muốn hoạt động trở lại lẫn người dân muốn đi du lịch Việt Nam đều phải mò mẫm thông tin ở trên các trang riêng lẻ, thậm chí nhiều lúc không biết tìm ở đâu. Chuyên gia của TAB cho rằng, hoàn toàn có thể hình thành một trang web, trên đó cập nhật thông tin mở cửa của các điểm đến ở Việt Nam, quy định cần thiết khi đi du lịch, các sản phẩm du lịch...

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt các yêu cầu cụ thể liên quan tới điều kiện di chuyển, đi lại, cư trú... Chú trọng đăng tải một cách công khai, minh bạch trên các kênh truyền thông, trang thông tin điện tử, nền tảng số phổ biến để người dân dễ tiếp cận và truy cập. Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương cung cấp một đường dây nóng để hỗ trợ chuyên cho quá trình phổ biến thông tin, giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt chi tiết khi lên các kế hoạch di chuyển, từ đó nâng cao hiệu quả và ý thức tuân thủ, chấp hành.

Chính phủ ưu tiên thực hiện hoạt động đối thoại công - tư ở cấp cao để thảo luận và xây dựng các kịch bản cùng kế hoạch phục hồi du lịch, trước hết trong giai đoạn 2022 - 2023. Kế hoạch này phải có tính tổng thể, bao trùm và chi tiết, có lịch trình, phân công thực hiện cụ thể... được xây dựng trên cơ sở đánh giá nghiên cứu, đánh giá tác động qua lại giữa các địa phương, Bộ, ngành trên cả nước và kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở đó, giao Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch công bố công khai các kế hoạch, thường xuyên cập nhật kế hoạch theo diễn biến của thực tiễn để các bên cùng phối hợp thực hiện hiệu quả. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất các giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO