(thitruongtaichinhtiente.vn) - Việt Nam sẽ mở cửa một số điểm đến du lịch từ tháng 11, sau khi gần như đã dừng hẳn trong đại dịch COVID-19. Dù việc mở cửa bước đầu còn khá dè dặt và thận trọng nhưng cũng đem lại tác động không nhỏ lên nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động đang lao đao và thặng dư tài khoản vãng lai đang bị thu hẹp.

Mở cửa lại biên giới và hồi sinh ngành du lịch gần đây đã trở thành chủ đề nổi cộm đối với các nước ASEAN. Mặc dù kế hoạch mở cửa lại của Việt Nam không thực sự tham vọng như các quốc gia láng giềng trong khu vực, du khách tiêm phòng đầy đủ rất ủng hộ quyết định mở lại 5 điểm đến du lịch mà không yêu cầu cách ly trong tháng 11. Trong báo cáo “Vietnam at a glance” vừa được HSBC công bố, các chuyên gia của HSBC đánh giá: “thời điểm Việt Nam mở cửa hoạt động trở lại là cơ hội phù hợp để cùng nhìn lại ngành du lịch, đề xuất một số dự thảo, chính sách phát triển mới đối với sự hồi phục của Việt Nam”.

Tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19

Khi đợt bùng dịch do biến chủng Delta dần lắng xuống nhờ tỷ lệ phủ vắc-xin ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách ở ASEAN bắt đầu tự tin hơn vào khả năng nới lỏng hạn chế phòng dịch và mở cửa lại biên giới.

Du lịch vốn là trọng tâm ưu tiên của nhiều quốc gia bởi ngành này có những tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường việc làm trong nước. Minh chứng có thể thấy rõ nhất ở các quốc gia như: Singapore, Thái Lan và Việt Nam, nơi các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới du lịch (hàng không, lữ hành, lưu trú) đã chịu ảnh hưởng nặng nề do các biện pháp siết chặt biên giới để kiểm soát đại dịch.

Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm. Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch tới Việt Nam đã tăng kỷ lục lên đến trên 18 triệu lượt vào năm 2019, mang đến nguồn thu 33 tỷ USD, tương đương 12,5% GDP.

 

Tuy nhiên, kể từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Là ngành “đứng mũi chịu sào”, hoạt động du lịch đã gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019.

Do thiếu vắng sự hiện diện của khách quốc tế nên các dịch vụ liên quan, đặc biệt là lưu trú, vận tải và ăn uống, đã không thể phục hồi đúng nghĩa. Du lịch nội địa đã gồng gánh ít nhiều trong những giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh nhưng rồi cũng chịu cảnh gián đoạn đột ngột khi đợt bùng dịch do biến chủng Delta xuất hiện cuối quý II/2021. Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý III/2021 sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt giãn cách kéo dài.

Khi ngành du lịch rơi vào tình trạng ngưng trệ, khoảng 60% người lao động bị mất việc làm trong năm 2020, 90% đã nghỉ việc tính đến tháng 5/2021. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chi tiết tác động lên ngành du lịch nhưng dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý III/2021, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

 

Theo HSBC, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam đang dần thu hẹp. Trước đây, Việt Nam từng trải qua giai đoạn thâm hụt dịch vụ khoảng 3 tỷ USD bình quân mỗi năm nhưng thâm hụt đã giảm một nửa xuống còn 1,5 tỷ USD vào năm 2019 nhờ đón một lượng khách du lịch cao kỷ lục.

Tuy nhiên, với tình trạng du lịch ngưng trệ từ năm 2020, thâm hụt dịch vụ tăng cao càng khiến tài khoản vãng lai của Việt Nam dao động mạnh. Mặc dù tác động có vẻ chưa rõ nét trong năm 2020, ngay cả khi thâm hụt dịch vụ cao kỷ lục lên mức 10 tỷ USD thì thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn ở mức rất tốt chiếm 5,5% tỷ trọng GDP trong năm, nguyên nhân sâu xa chủ yếu là nhờ xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc trong khi nhập khẩu bị thu hẹp.

Trong năm 2021, trong bối cảnh xuất khẩu chững lại trong quý III/2021 và nhập khẩu phục hồi nhờ hiệu ứng cơ sở thấp, thặng dư thương mại thu hẹp nhiều khả năng sẽ không đủ bù đắp cho những thâm hụt trong dịch vụ và thu nhập thứ cấp.

“Mặc dù chúng ta vẫn kỳ vọng nhìn thấy thặng dư thương mại trong năm 2021, thực tế cho thấy khả năng cao tài khoản vãng lai sẽ bị thâm hụt nhẹ ở mức 1,1% GDP. Điều đó sẽ tác động trực tiếp lên đồng VND, tài khoản vãng lai thiếu hụt tạo áp lực xuống giá của đồng VND. Tác động sẽ hiện hữu rõ nét hơn trong năm 2022 khi đồng VND bị suy yếu thêm”, HSBC nhận định.

Từng bước “hồi sinh” ngành du lịch

Trong kế hoạch “hồi sinh” ngành du lịch, bước đầu Việt Nam sẽ mở cửa 5 địa điểm thu hút du lịch là: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam (nơi có phố cổ Hội An), Khánh Hòa (có thành phố biển Nha Trang) và Quảng Ninh (có Vịnh Hạ Long) từ tháng 11.

Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chia làm 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1: Tháng 11/2021, khách đi theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thương mại quốc tế đến Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh; Giai đoạn 2: Tháng 1/2022, mở rộng sang một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện; Giai đoạn 3: Mở cửa hoàn toàn thì căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, trên cơ sở đánh giá việc mở cửa đón khách của 2 giai đoạn đầu.

Mặc dù Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu mở cửa trở lại cho thấy dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên HSBC cho rằng, nhiều tình huống khó lường thường xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh và để hồi sinh thành công ngành du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên cần cân nhắc là những yêu cầu về nhập cảnh. Điều này đồng nghĩa không chỉ cần xem xét nới lỏng hạn chế biên giới ở phía Việt Nam mà những kiểm soát biên giới của các quốc gia khác cũng quan trọng không kém.

Trong khi đó, tình hình diễn biến dịch bệnh cũng vô cùng quan trọng. Sau khi giảm mạnh so với đỉnh dịch hồi giữa tháng 8/2021, thì thời gian gần đây số ca nhiễm mới lại đang có dấu hiệu tăng trở lại. Mặc dù các ca mắc mới vẫn tập trung ở Đông Nam Bộ (như Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM), khu vực không nằm trong chương trình thí điểm du lịch nhưng những rủi ro dai dẳng do COVID-19 có thể tạo tâm lý e ngại cho cả khách du lịch lẫn chính quyền địa phương.

 

Bên cạnh lây nhiễm gia tăng, tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp cũng là một vấn đề. HSBC cho biết so với các nước láng giềng trong khu vực, tỷ lệ phủ vắc-xin tại Việt Nam vẫn còn khá chậm.

Thực tế, Việt Nam đã tăng tốc tiến độ tiêm phòng từ quý III/2021, ưu tiên các điểm đến du lịch và cụm công nghiệp. Toàn bộ các điểm đến du lịch, ngoại trừ Quảng Nam và Đà Nẵng, đều đã tiêm phòng cho ít nhất 80% người dân. Dù vậy, HSBC vẫn lưu ý: “Việt Nam cần tính toán kỹ phương án hỗ trợ đi lại giữa các địa phương này cũng như trên cả nước trong khi vẫn phải hạn chế rủi ro tiềm tàng do virus”.

Để thúc đẩy du lịch, các chuyến bay quốc tế cũng cần được nối lại. Các quy định giãn cách gần đây cũng dần được gỡ bỏ thì ngành hàng không vẫn phải mất một thời gian nữa mới lấy lại phong độ như thời trước đại dịch. Dù vậy, trong cái rủi vẫn có cái may đó là Việt Nam đã nhanh chóng chấp nhận “giấy chứng nhận vắc-xin” của 72 nước và phát triển đường bay mới để thu hút nguồn khách du lịch mới. Từ tháng 11, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ, trong khi Bamboo Airways sẽ đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng tới Anh từ tháng 1/2022. Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế… Đây sẽ là những tín hiệu tích cực giúp Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế, qua đó từng bước giúp ngành du lịch thoát khỏi tình trạng “đóng băng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành du lịch bắt đầu “rã đông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO