Đề xuất được Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại phần trình bày Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước giai đoạn 2025-2027 diễn ra sáng ngày 22/10.
Tổng thu ngân sách năm 2024 dự toán là 1.700 nghìn tỷ đồng
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng thu ngân sách năm 2024 dự toán là 1.700 nghìn tỷ đồng. Thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023. Cả năm thực hiện ước vượt thu 10,1% so với dự toán, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách khoảng 16,5% GDP.
Về chi ngân sách, dự toán năm là 2.119 nghìn tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 59,3%. Ước cả năm đạt 2.281 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với dự toán. Dự toán bội chi là 399,4 nghìn tỷ đồng, ước bội chi cả năm khoảng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so dự toán, do giảm chi nguồn vốn vay của ngân sách địa phương.
Để triển khai chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Chính phủ báo cáo Quốc hội sử dụng số tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên năm 2024 của cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho nhiệm vụ này. Đến hết năm 2024, số kinh phí tiết kiệm chưa sử dụng hết được phép chuyển nguồn sang năm 2025 để tiếp tục thực hiện. Cho phép các địa phương được sử dụng khoản tiết kiệm chi này để hỗ trợ địa phương khác triển khai thực hiện.
Về dự toán NSNN năm 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu NSNN là 1.966 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16% GDP. Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.668 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 85% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 6,1% so ước thực hiện năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, mức dự toán nêu trên là tích cực, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức.
Dự toán bội chi NSNN năm 2025 là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 34-35% GDP, trong phạm vi được Quốc hội cho phép.
Năm 2025, dự toán chi ngân sách hơn 2.500 nghìn tỷ đồng
Về phương án phân bổ, Phó Thủ tướng cho biết sẽ đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để kịp thời xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh; bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác.
Đồng thời, bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính trị quan trọng, các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt của cấp thẩm quyền. Bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đang hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội và UBTV Quốc hội.
Để đảm bảo chi trả tiền lương cho khu vực công, ngoài vốn cân đối từ nguồn ngân sách, dự kiến sử dụng 110.000 tỷ đồng từ nguồn tích lũy tiền lương. Theo đó, dự toán chi ngân sách là 2.548 nghìn tỷ đồng.
Năm 2025, để đảm bảo hiệu quả thu chi ngân sách, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan Trung ương phấn đấu tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10%, giảm bội chi ngân sách, tăng chi nhiệm vụ cần thiết, phát sinh, nhiệm vụ chung.
Về kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước giai đoạn 2025-2027, căn cứ xây dựng kế hoạch trên cơ sở là nền tảng vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, dự toán tăng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với dự báo tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về việc năm 2025 chưa xem xét tăng tiền dịch vụ công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công. Chính phủ rà soát và báo cáo các cấp có thẩm quyền, xử lý bất hợp lý một số đối tượng, ngành nghề như y tế, giáo dục.
Đồng thời, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, cho phép sử dụng một phần quỹ tích luỹ tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương còn dư, tổng hợp vào báo cáo ngân sách năm 2025 để bố trí đủ chi lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng cho các bộ ngành cơ quan Trung ương, địa phương...
Cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ bám sát hơn vào các Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2024 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 của Quốc hội để đánh giá và báo cáo rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm và đề xuất, kiến nghị cụ thể để hoàn thành các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại các nghị quyết. Ngoài ra, có đánh giá toàn diện tác động tiêu cực của bão số 3, hậu quả của sạt lở, lũ lụt do ảnh hưởng của cơn bão đến thu chi NSNN năm 2024, hệ lụy cho năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát kỹ các khoản còn dư địa thu, nâng cao chất lượng công tác dự báo để phấn đấu tăng thu năm 2024 ở mức cao nhất làm căn cứ xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 tích cực hơn.