Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Lên kế hoạch lợi nhuận 5.554 tỷ đồng, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay

Trần Thúy 25/06/2025 - 15:28

Sáng nay (25/6), Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines – mã HVN) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 nhằm thông qua một số nội dung quan trọng bao gồm báo cáo tài chính năm 2024 đã được kiểm toán, báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2024, kế hoạch sản xuất kinh doanh và định hướng năm 2025.

Báo cáo tại đại hội, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, năm 2024, nhờ thị trường vận tải hàng không diễn biến tương đối khả quan cùng các nỗ lực trong điều hành và thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận, mặc dù các yếu tố đầu vào về giá nhiên liệu, lãi suất, tỷ giá cơ bản vẫn ở mức cao và diễn biến không thuận lợi, công ty mẹ đã đạt kết quả năm 2024 khá tích cực. Cụ thể doanh thu đạt 84.478 tỷ đồng (tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 104,3% kế hoạch), lãi trước thuế đạt 2.787 tỷ đồng (tăng hiệu quả so với cùng kỳ năm 2023 là 7.576 tỷ đồng và gấp 26,5 lần kế hoạch).

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty vốn góp đa số đạt kết quả tích cực và có lãi; Pacific Airlines mặc dù gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tuy nhiên do việc ghi nhận thu nhập từ việc xóa nợ nên đạt kết quả lãi trong năm. Do kết quả lãi của công ty mẹ, Pacific Airlines và các doanh nghiệp thành viên, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của toàn Tổng công ty năm 2024 ước tính đạt 8.416 tỷ đồng, tăng mạnh so với với mức lỗ trước thuế -5.363 tỷ đồng trong năm 2023 và so với dự kiến kế hoạch.

Hiện Vietnam Airlines đang khai thác mạng bay gồm 58 đường bay quốc tế và 38 đường bay nội địa, kết nối tới 52 điểm đến tại 18 quốc gia. Hãng vẫn là đơn vị duy nhất khai thác toàn bộ các điểm đến nội địa.

Về dòng tiền, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2024, với kết quả vận tải hàng không đạt tích cực, Tổng công ty đã cân đối được dòng tiền để đảm bảo thanh toán các khoản mục phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên các khoản nợ để lại từ giai đoạn dịch Covid-19 còn lớn. Tổng công ty tiếp tục quản trị dòng tiền theo quan điểm thận trọng, kiến nghị gia hạn nợ vay tái cấp vốn, chủ động chuẩn bị dư địa để quản trị dòng tiền và sử dụng linh hoạt giải pháp giãn hoãn nợ nhà cung cấp và vay tín dụng ngắn hạn để duy trì thanh khoản.

Tại thời điểm cuối năm 2024, số dư tiền cuối kỳ khoảng 2.293 tỷ đồng, dư nợ vay ngắn hạn và tái cấp vốn khoảng 6.941 tỷ đồng và nợ quá hạn nhà cung cấp duy trì ở mức khoảng 7.056 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận 5.554 tỷ đồng

Năm 2025, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 25,4 triệu lượt hành khách, tăng 11,6% so cùng kỳ và bằng 111,1% so 2019. Trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 8,5 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 115% so cùng và bằng 94% so với năm 2019. Sản lượng khách nội địa năm dự kiến đạt 16,9 triệu khách, tăng 10% so cùng kỳ và tăng 22,3% so với năm 2019.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, năm 2025, dự kiến quy mô thị trường vận tải hàng không sẽ tiếp tục hồi phục, giá nhiên liệu có xu hướng giảm với mức giá nhiên liệu bình quân dự kiến thấp hơn 85 USD/thùng, Tổng công ty tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng doanh thu, tăng cường quản trị và tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là đội máy bay.

Do đó, hiệu quả vận tải hàng không dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện đáng kể, là động lực chính trong việc cải thiện lợi nhuận. Dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 116.715 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm trước, công ty mẹ đạt 93.283 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 5.554 tỷ đồng, bằng 66% cùng kỳ và công ty mẹ đạt 4.168 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ tiếp tục chuẩn bị cho dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp thế hệ mới, với tổng vốn dự kiến hơn 92.000 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2030 đến 2035. Ngoài ra, Vietnam Airlines dự kiến mở rộng đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật tại các sân bay như Long Thành và Nội Bài, đồng thời mở thêm 5 đường bay quốc tế (Bắc Kinh, Bangkok, Bengaluru, Hyderabad, Busan) và khôi phục 4 đường bay (Moscow, Bali, Kuala Lumpur, Hồng Kông). Các tuyến Milan và Copenhagen dự kiến khai thác vào tháng 7 và 12/2025.

Dòng tiền năm 2025 dự kiến sẽ được bổ sung đáng kể từ số tiền thu tăng vốn (kế hoạch dự kiến đạt khoảng 9.000 tỷ đồng) đồng thời dòng tiền sản xuất kinh doanh dự kiến tiếp tục ổn định.

Lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định, Tổng công ty đảm bảo cân đối dòng tiền tổng thể để hoàn trả các khoản nợ giãn hoãn từ giai đoạn dịch Covid, đảm bảo bố trí vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cho các hoạt động đầu tư trọng điểm. Dư tiền cuối kỳ dự kiến khoảng 4.254 tỷ đồng, khả năng thanh toán ngắn hạn ở mức 0,3; Tổng công ty không phải vay ngắn hạn và cơ bản thanh toán hết các khoản nợ quá hạn đã thống nhất với nhà cung cấp (số nợ quá hạn tại thời điểm cuối năm 2025 chủ yếu là các khoản công nợ đang tranh chấp với đối tác, Tổng công ty đang đàm phán, làm việc với đối tác để làm rõ và thống nhất về hướng xử lý các khoản công nợ này).

Năm 2025, Tổng công ty dự kiến dành 2.090 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư phát triển. Trong đó, 7 dự án đã có quyết định đầu tư với kinh phí đầu tư năm 2025 là 1.123,7 tỷ đồng, 28 dự án chuẩn bị đầu tư với kinh phí đầu tư hơn 966 tỷ đồng.

Cập nhật kết quả kinh doanh quý II, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng hàng không tiếp tục duy trì xu thế tích cực, với kết quả vượt kế hoạch ở hầu hết các chỉ tiêu chính.

Cụ thể, sản lượng hành khách quý II ước đạt mức vượt 1,9% so với kế hoạch phân kỳ, số ghế luân chuyển vượt 2,2% và doanh thu vận tải hàng không ước đạt khoảng 22.100 tỷ đồng, vượt 5,9% so với kế hoạch đề ra.

Lợi nhuận trước thuế quý II của công ty mẹ Vietnam Airlines ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt khoảng 1.600 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, công ty mẹ ước đạt lợi nhuận trước thuế trên 4.000 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận hợp nhất trước thuế vượt 5.000 tỷ đồng.

Tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay

Cập nhật Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty đã tiến hành rà soát, cập nhật kế hoạch bán thanh lý tàu bay cũ, theo đó trong giai đoạn 2021-2024, VNA đã bán 5 tàu bay A321CEO cũ, dự kiến năm 2025 sẽ thực hiện thanh lý 6 tàu bay A321CEO cũ và 6 tàu ATR72 (so với phương án trước đây VNA dự kiến bán 32 tàu bay, trong đó bán 26 tàu A321CEO và 6 tàu ATR72 trong giai đoạn 2021-2025).

Về tái cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu, căn cứ Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ quy mô tối đa 22.000 tỷ đồng theo hình thức chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Lộ trình thực hiện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng, cổ đông nhà nước chuyển giao quyền mua cho SCIC. Thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền chấp thuận, dự kiến hoàn thành trong quý III năm 2025.

Giai đoạn 2, quy mô phát hành tối đa 13.000 tỷ đồng, Chính phủ chỉ đạo thực hiện phương án (kể cả phương án Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp); trường hợp phát sinh vướng mắc thì tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền, dự kiến bắt đầu từ năm 2026.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết, sẽ tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay, bố trí nguồn trả nợ khoản vay tái cấp vốn sau khi được gia hạn theo đúng quy định tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội, đa dạng hóa các đối tác cung cấp dịch vụ trên thị trường đảm bảo huy động vốn có tính khả thi với chi phí hợp lý. Quy mô và các hình thức huy động vốn vay sẽ tùy thuộc kết quả triển khai các giải pháp tái cơ cấu của Tổng công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ Vietnam Airlines: Lên kế hoạch lợi nhuận 5.554 tỷ đồng, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO