(thitruongtaichinhtiente.vn) - Khi người mất để lại sổ tiết kiệm, số tiền này sẽ được xử lý theo quy định về pháp luật thừa kế. Tuy nhiên, trong thực tế không ít trường hợp gia đình của người đã khuất băn khoăn liệu người đã mất có gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng nào đó mà giữ bí mật với mọi người hay không? Làm sao xác định được thông tin này?
Sổ tiết kiệm là có thể hiểu đơn giản là sổ giữ tiền của cá nhân ở ngân hàng, có ghi rõ thông tin số tiền gửi ban đầu, mức lãi suất được hưởng và thời hạn gửi tiền. Thông thường khi đến hạn, khách hàng gửi tiền có thể đến ngân hàng nhận lãi, gốc hoặc tiếp tục gửi tiếp. Khi khách hàng chưa kịp đến ngân hàng làm thủ tục, ngân hàng tự đồng tái tục tiền gửi nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong trường hợp người gửi tiền đã mất có di chúc hoặc không có di chúc, sổ tiết kiệm sẽ được xử lý như thế nào?
Theo luật sư Lại Ngọc Thanh (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal), trường hợp người mất để lại tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, thì những người thừa kế sẽ có quyền nhận, phân chia khối di sản này theo di chúc, hoặc chia thừa kế theo pháp luật.
Phân chia di sản theo di chúc có thể hiểu đơn giản là việc chia di sản cho người được chỉ định trong di chúc. Còn chia di sản cho người thừa kế theo pháp luật là việc chia di sản theo diện và hàng thừa kế mà pháp luật quy định (chứ không theo ý chí của người để lại di sản, thường được áp dụng trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp). Theo đó, pháp luật quy định có 3 hàng thừa kế, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thuộc cùng hàng thừa kế thì được hưởng phần di sản bằng nhau, hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không có ai ở hàng thừa kế trước nhận di sản.
Để rút được tiền tiết kiệm, ngân hàng thường yêu cầu các người thừa kế phải tiến hành thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng năm 2014. Tại các văn bản này, dưới sự chứng nhận của công chứng viên, những người thừa kế sẽ xác định chính xác ai là người được hưởng di sản, di sản cụ thể là gì và giá trị là bao nhiêu.
Theo Luật sư Lại Ngọc Thanh, trường hợp người thân chẳng may qua đời đột ngột, mà gia đình không biết người này đang gửi tiền tại ngân hàng nào và với số tiền cũng không hiếm gặp và có 2 vấn đề pháp lý chính yếu.
Thứ nhất là việc xác minh thông tin tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Đây là vấn đề có thể nói là trở ngại đầu tiên đối với thân nhân của người để lại di sản nhằm có thông tin chính xác để thực hiện các thủ tục tiếp theo. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, thì thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi của khách hàng phải được bảo mật, ngân hàng chỉ được phép cung cấp khi: (i) có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, hoặc (ii) được sự chấp thuận của khách hàng. Theo Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11-9-2018 của Chính phủ, tại Điều 11 bổ sung thêm trường hợp cung cấp thông tin cho (iii) người đại diện hợp pháp của khách hàng đó.
Pháp luật chưa đặt ra những trường hợp ngoại lệ của các tình huống nêu trên, nghĩa là mặc dù gia đình bạn là thân nhân của người gửi tiền, thì cũng không được phép yêu cầu Ngân hàng cung cấp các thông tin này.
Vì vậy, khi chia di sản thừa kế theo pháp luật, nếu thân nhân trong gia đình người để lại di sản không biết được, và không có hồ sơ (sổ tiết kiệm hoặc thẻ tiết kiệm) đối với số tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, thì có thể công chứng viên cũng từ chối công chứng, mà nếu có công chứng thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản cũng chỉ có thể ghi nhận thông tin chung chung theo hướng, nếu người chết có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thí số tiền này sẽ chia cho ai mà thôi, và ai là được cử để đến ngân hàng rút tiền.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu những người thừa kế đã công chứng được văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản, thì đa phần các ngân hàng sẽ hỗ trợ, giải quyết thủ tục rút tiền cho người thừa kế” - Luật sư Lại Ngọc Thanh cho biết.