(thitruongtaichinhtiente.vn) - NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%, tương đương có khoảng 150.000-320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020, trong đó mức trên 9% là khả thi.
Nỗ lực giảm lãi suất
Từ đầu năm đến nay NHNN đã có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô cắt giảm tương đối mạnh nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm sâu mặt bằng lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn cũng được kéo giảm tương ứng. Bên cạnh đó, NHNN cũng lùi thời hạn giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thêm 1 năm để giảm áp lực huy động vốn cho các ngân hàng nhất là khi các nhà băng đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn dưới tác động của Covid-19 thông qua việc giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10% |
Giới chuyên gia đánh giá, cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN đã góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy, lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Theo đó, tính đến tháng 7/2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.
Quan sát trên thị trường, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50-200 điểm cơ bản ở hầu hết các kỳ hạn so với đầu năm. Câu hỏi đặt ra là liệu mặt bằng lãi suất có giảm thêm? Tuy nhiên TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm mạnh thì sẽ có nguy cơ trở thành bẫy thanh khoản khi người dân rút tiền và đầu tư vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bởi thế, lãi suất cho vay có thể vẫn sẽ giảm thêm, nhưng giảm sâu là rất khó, một phần do hạn chế từ cầu của nền kinh tế và cũng xuất phát từ việc chi phí hoạt động của các ngân hàng, trong đó đặc biệt là vấn đề trích lập dự phòng rủi ro tăng cao.
Mặc dù dư địa chính sách hạn hẹp, nhưng với xu hướng lãi suất giảm như hiện nay, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có thể phục hồi nhẹ trong quý cuối cùng của năm 2020. Nhất là khi các chỉ số như IIP, PMI… cho thấy hoạt động sản xuất đang dần phục hồi.
Tín dụng có phục hồi?
Mặc dù mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh, thế nhưng tín dụng những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng khá chậm. Theo số liệu thống kê của NHNN Việt Nam, tính đến cuối tháng 9, tín dụng mới tăng 6,09% so với đầu năm, thấp hơn nhiều mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.
Theo giới chuyên môn, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm chủ yếu do cầu tín dụng của nền kinh tế yếu khi mà đại dịch Covid-19 khiến sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu bị đình trệ. Tuy nhiên điểm tích cực là tín dụng đang có xu hướng tăng nhanh hơn trong thời gian gần đây cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Quả vậy đến cuối quý II tín dụng mới tăng 3,63%, tuy nhiên đến cuối tháng 7 tín dụng tăng 4,03%, đến cuối tháng 8 tăng 4,75% và đến cuối tháng 9 tăng 6,09%, tức tăng thêm tới 2,36 điểm phần trăm trong 3 tháng qua. Đặc biệt, tín dụng đối với các nhóm ngành ưu tiên tăng trưởng ở mức khá như: xuất khẩu (7%), nông nghiệp nông thôn (5%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (5,5%).
Hiện nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục trong khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang mở cửa trở lại nền kinh tế. Về lý thuyết, đó sẽ là cơ hội để doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, kéo theo đó cầu tín dụng cũng sẽ tăng nhanh hơn. Hơn thế, hiện mặt bằng lãi suất đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng sẽ là một yếu tố tích cực hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng.
Theo TS. Châu Đình Linh, tăng trưởng tín dụng sẽ lệ thuộc vào: mức lãi suất, chính sách theo dõi và can thiệp của NHNN, lãi suất đầu ra phải thực giảm. Hiện đang có những điểm sáng có thể giúp tăng trưởng tín dụng, khi khả năng hấp thụ vốn sẽ dần tốt hơn từ nay tới cuối năm. Các ngành nghề cũng đang lấy lại động lực từ thị trường nội địa, thúc đẩy tiêu dùng, chính sách đầu tư công… Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, “cần lưu ý là chúng ta đang kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tích cực trong bối cảnh không bình thường. Nên xác định trường hợp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 3% thì tăng trưởng tín dụng nếu đạt 9-10% đã là quá ngoạn mục rồi”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, khả năng tín dụng quý IV/2020 có sự phục hồi theo đà của quý III/2020 là có. Tuy nhiên “chắc chắn năm nay tín dụng không thể tăng trưởng cao được. Từ nay tới cuối năm, nếu ngân hàng đẩy mạnh được tín dụng và Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ thêm cho cộng đồng doanh nghiệp thì kịch bản tốt nhất tăng trưởng tín dụng có thể lên 9%”.
Nhiều công ty chứng khoán cũng có chung góc nhìn như vậy. Đơn cử Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, tín dụng trong quý IV sẽ tăng tốc mạnh hơn so với ba quý đầu năm do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức thấp. KBSV cũng dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay quanh mức 8-10%.
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8-10%, tương đương có khoảng 150.000-320.000 tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020, trong đó mức trên 9% là khả thi.