(thitruongtaichinhtiente.vn) - 7 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 5,8%. Đây là mức tăng trưởng khá nếu đặt trong bối cảnh đại dịch và so sánh với cùng kỳ năm trước, 7 tháng đầu năm 2020, tín dụng chỉ tăng 3,3%.
Tuy nhiên, đánh giá diễn biến tăng trưởng tín dụng qua từng tháng thì thấy trong những tháng gần đây (tháng 6,7/2021) tốc độ tăng trưởng chậm lại. Một số ngân hàng thương mại tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7/2021. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp gặp khó khăn và tổng cầu của nền kinh tế giảm.
Đánh giá tổng quan và phân tích cụ thể các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, những lĩnh vực là động lực để duy trì và tăng trưởng kinh tế gồm xuất nhập khẩu; y tế; sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu; lương thực thực phẩm… vẫn duy trì hoạt động và tăng trưởng có tác động tích cực đến hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn.
Đặc biệt, hoạt động tín dụng đối với KCN-KCX trở thành “điểm sáng” trong hoạt động tín dụng 7 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Điểm sáng này, nếu phân tích đánh giá đặt trong mối quan hệ ngân hàng – khách hàng; đặt trong mô hình hoạt động hiệu quả của KCN-KCX thì đó là kết quả của cả quá trình phát triển và phản ánh tính bền vững, hiệu quả của hoạt động tín dụng đối với KCN-KCX trong thời gian qua. Đánh giá này phản ánh trên một số phương diện chính sau:
Tín dụng đối với KCN-KCX trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cuối tháng 7/2021 đạt 188.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cuối năm 2020. Tốc độ tăng trưởng cao gấp 2 lần so với mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Số lượng khách hàng doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN-KCX có quan hệ vay vốn với ngân hàng đến nay khoảng gần 4.000 doanh nghiệp. Chính hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN-KCX, đặc biệt là việc vẫn duy trì hoạt động trong điều kiện giãn cách xã hội và thực hiện các đơn hàng cung cấp cho khách hàng và thị trường quốc tế, luôn đảm bảo duy trì được dòng tiền và hiệu quả hoạt động, có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng của các NHTM trên địa bàn đối với KCN-KCX.
Tín dụng ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng đối với KCN-KCX, chiếm 76,8%. Cơ cấu này phù hợp với nhu cầu vốn đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN-KCX hiện nay, chủ yếu là nhu cầu bổ sung vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, hiệu quả khai thác và sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại đối với KCN-KCX luôn duy trì ổn định và tăng trưởng bền vững trong nhiều năm qua.
Kết quả tăng trưởng tín dụng đối với KCN-KCX, nhất là KCX gắn liền với tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng nước ngoài trên địa bàn thành phố. Theo đó, tín dụng của khối này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, tăng 5,35% trong 7 tháng đầu năm. Riêng tháng 7/2021 tăng 2,2%, là mức tăng trưởng cao nhất so với các nhóm ngân hàng thương mại khác và tăng cao hơn mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn trong tháng 7/2021.