(TTTCTT) - Dù khoản vay của các chương trình tín dụng chính sách không nhiều nhưng lại có sức mạnh, tác động lên nhiều mặt quan trọng của đời sống xã hội như việc làm, giảm nghèo, an ninh trật tự.... Chính sự phù hợp, kịp thời trong triển khai các chương trình gia tăng hiệu quả nguồn vốn; trách nhiệm, quyết tâm của những người tham gia trong dòng chảy tín dụng chính sách đã biến đồng vốn nhỏ thành động lực cho người nghèo nói chung và người yếu thế ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) nói riêng.
Trong chuyến công tác tại huyện đảo Phú Quốc vừa qua, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các hộ vay vốn tại xã Ngũ Phụng. Ảnh: Thái Bình - Việt Hải |
Hậu cứ vững chắc của Trường Sa
Huyện đảo Phú Quý cách cảng Phan Thiết 56 hải lý. Ngoài đảo lớn còn có 9 đảo nhỏ tạo thành 1 quần đảo; trong đó, Hòn Hải là điểm A6 cột mốc để xác định đường cơ sở lãnh hải của đất nước. Huyện đảo có vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ của tỉnh Bình Thuận và Quân khu 7. Do đó, công tác xây dựng địa phương thành khu vực phòng thủ vững chắc là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên đảo.
Bởi thế, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh luôn được quan tâm chú trọng. Đại hội Đảng bộ huyện Phú Quý lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn; lực lượng vũ trang chủ động, tăng cường giữ vững vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Song song với đó, huyện Phú Quý cũng tập trung phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng các công trình mang tính lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng tăng cường quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; chủ động các phương án sẵn sàng đối phó kịp thời và xử lý có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên thực tế, việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo được tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân, giúp đồng bào nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của cá nhân, gia đình mình trong mỗi hành động. Đơn cử như một số hộ gia đình mặc dù nuôi trồng thủy sản nhưng họ vẫn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình là phải bảo vệ môi trường biển. Bằng cách đặt các bồn tự hủy để xử lý các chất thải trong quá trình chăn nuôi xả ra, các hộ đã và đang góp phần làm trong sạch vùng biển quê hương.
Cần có chính sách đặc thù
Phó Bí thư huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Quý Tạ Minh Nhựt khẳng định, cộng hưởng hiệu quả từ tín dụng chính sách đã đưa thu nhập bình quân đầu người tại huyện đảo năm 2020 đạt hơn 50,5 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015 - thời điểm Phú Quý về đích nông thôn mới.
Tuy nhiên, đối với một huyện đảo đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới như Phú Quý; tỷ lệ hộ nghèo rất thấp nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do khách quan của một huyện đảo mang lại. Đơn cử, Phú Quý là huyện mới phát triển, tiềm năng du lịch vừa được đánh thức nhưng lại bị đại dịch COVID-19 làm cho các hoạt động dịch vụ du lịch tê liệt, gây khó khăn cho người dân đảo trong thực hiện phát triển kinh tế. Thêm vào đó, các nguồn thụ hưởng của huyện đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã hết như các chính sách cho vay vùng khó khăn chẳng hạn, khiến người dân không khỏi lao đao.
Để mở rộng sản xuất kinh doanh, các hộ vay rất cần nguồn vốn giải quyết việc làm. Ảnh: Thái Bình - Việt Hải |
Hộ vay Phạm Hữu Nhiên ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh chia sẻ, hiện anh đang có dư nợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Phú Quý. Công việc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình đang rất thuận lợi khi du lịch đảo phát triển nhưng vì không có vốn mở rộng sản xuất nên gia đình anh cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Thực tế ở Phú Quý, không chỉ anh Nhiên mà đa số các hộ đang thụ hưởng chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đều mong được tăng thêm mức vay để mở rộng sản xuất khi dịch bệnh đi qua.
Đến nay, dù đã được quan tâm, cân đối nhưng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương còn khá thấp, chỉ đạt 3,6%, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước (8,7%). Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính việc thiếu nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung và huyện đảo Phú Quý nói riêng trong thời gian qua.
Vì vậy, trước đề xuất của các hộ vay, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương về việc quan tâm bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, NHCSXH tỉnh Bình Thuận chủ động nắm bắt nhu cầu của hộ vay, xây dựng đề án các chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất Trung ương bố trí nguồn lực đủ để cho vay trong thời gian tới; trước hết Trung ương sẽ bố trí 20 tỷ đồng cho huyện Phú Qúy để thực hiện hiệu quả 2 chương trình nêu trên. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một chương trình tín dụng chính sách đặc thù cho các huyện đảo và vùng bãi ngang, trong đó có Phú Quý, để người dân có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng chính sách tại huyện đảo Phú Qúy đạt gần 140 tỷ đồng, với gần 2.700 hộ vay. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ chiếm tỷ lệ 0,5%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,14% tổng số hộ trên địa bàn.