(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 8/4/2021, Diễn đàn trực tuyến Tài chính Việt Nam 2021 (2021 Finance Vietnam) đã được The Asian Banker tổ chức với chủ đề “Các sáng kiến quan trọng của Việt Nam hướng tới quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch”. Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Đức Ấn tham dự và phát biểu chào mừng. Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cùng tham dự sự kiện.
Các điểm cầu Diễn đàn trực tuyến Tài chính Việt Nam 2021 |
Diễn đàn tổ chức trong bối cảnh các tổ chức tài chính đang hướng đến một ngành tài chính phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai thông qua việc giải quyết các vấn đề được bộc lộ qua cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch COVID-19. Do đó, các ngân hàng đang định vị lại vị trí dẫn đầu trong thế giới kỹ thuật số và điều chỉnh cách thức xây dựng chiến lược để đẩy mạnh yếu tố kinh tế và tăng mức độ linh hoạt.
|
“Bên cạnh đó, việc điều hành lãi suất giảm liên tiếp nhiều lần trong năm 2020 mà vẫn giữ được ổn định thị trường tiền tệ, có điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng vay vốn, giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Những yếu tố nêu trên đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam”, ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.Thông tin về tình hình các ngân hàng Việt Nam trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch VNBA, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) mặc dù vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã từng bước thích nghi với điều kiện bình thường mới. Chủ tịch VNBA cũng nhận định, việc ban hành Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là sáng kiến quan trọng, tạo ra trạng thái bình thường mới trong hoạt động tín dụng, là cứu cánh hết sức kịp thời cho cả TCTD và khách hàng vay vốn.
Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch VNBA, Chủ tịch HĐTV Agribank phát biểu chào mừng Diễn đàn. Ảnh: Tạ Dũng |
Chuyển đổi số - chìa khóa để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của ngân hàng
Những diễn biến vừa qua cho thấy, đại dịch COVID-19 không chỉ làm đẩy nhanh tốc độ số hóa trong ngành dịch vụ tài chính ngân hàng ở Việt Nam mà còn chỉ ra những khoảng trống cho hành trình chuyển đổi kỹ thuật số. Sự mở rộng ngày càng tăng của hệ sinh thái ngân hàng mở và kỹ thuật số trong các tổ chức làm tăng khả năng cung cấp dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Nhận định về xu hướng số hóa trong ngành ngân hàng tài chính Việt Nam, ông Phạm Đức Ấn cho rằng các TCTD Việt Nam đã có những thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu Cách mạng Công nghệ 4.0, theo hướng công nghệ không tiếp xúc; áp dụng Internet vạn vật (IoT) và các thiết bị thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công cụ phân tích và các hoạt động từ xa đang tái định hình các mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai những mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với xây dựng và triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lê Xuân Vũ - thành viên Ban điều hành, Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) - cho biết, ngân hàng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với một số công ty công nghệ Fintech để nâng cao hạ tầng công nghệ. Ngân hàng nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng về tư tưởng cũng như hành vi của khách hàng. Nhờ việc áp dụng eKYC bằng hình thức video call, ý tưởng cung cấp tài khoản số đẹp, số trùng với ngày sinh hay số điện thoại của khách hàng… mà trong một quý, MB đã có thể thu hút được trên 1 triệu khách hàng trên nền tảng số của mình. Bên cạnh việc triển khai ngân hàng số, MBbank cũng tập trung vào việc đo lường hiệu quả của kênh giao dịch này. Với hơn 60 triệu giao dịch trên 2,5 triệu khách hàng đã cho thấy việc đầu tư vào kênh giao dịch này là hoàn toàn xứng đáng. “Trong chiến lược dài hạn, MB nhận thấy sự hỗ trợ của công nghệ là rất cần thiết”, ông Vũ nói.
Với trường hợp của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Đinh Văn Chiến – Phó Tổng Giám đốc - cho biết, ngân hàng hiện tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt là mảng ngân hàng số. Năm 2020, khách hàng của TPBank đã thay đổi rất nhiều về hành vi, đây là điều thúc đẩy việc phát triển ngân hàng số tại TPBank. Ngoài ra, hạ tầng công nghệ đã có nhiều bước tiến, từ internet chuyển sang đến di động và bây giờ đến trí tuệ nhân tạo (AI) và Blockchain. Bên cạnh đó, đã có rất nhiều tổ chức tham gia vào thị trường, điển hình như ví điện tử, trung gian thanh toán khác… Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng cũng như tạo áp lực đối với TPBank phải ngày càng năng động và phát triển hơn.
Đối với VPBank, đại diện ngân hàng này cho biết từ tháng 2/2021, ngân hàng đã bắt đầu thực hiện việc phê duyệt khoản vay cá nhân trong vòng chỉ 5-7 phút nhờ đảm bảo tính an toàn và đơn giản quy trình.
Thực tế cho thấy, song song với hành trình chuyển đổi số, các ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc gắn kết với khách hàng, quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm của khách hàng, coi khách hàng là trung tâm. Theo ông Bryan Caroll – CEO Ngân hàng số TNEX, một trong những thách thức của các ngân hàng hiện nay là muốn tiếp cận nhiều hơn với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khách hàng trẻ, tuy nhiên lại gặp phải nhiều ràng buộc, vướng mắc về hạ tầng công nghệ. Giải pháp ông Bryan Caroll đưa ra là tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, ông Bryan cũng nhấn mạnh “công nghệ không phải là tất cả, mà quan trọng hơn là tư tưởng, văn hóa doanh nghiệp và phải từ chính những người lãnh đạo.”
Nhận định về tương lai của lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam, the Asian Banker đưa ra một số lưu ý:
Một là, việc các giao dịch số ngày càng tăng sẽ đòi hỏi năng lực cũng như độ tin cậy của hệ thống cao hơn.
Hai là, các ngân hàng triển khai eKYC để mở tài khoản, tuy nhiên các quy trình xử lý back office cũng cần được tự động hóa.
Ba là, các tổ chức tín dụng cần phải hướng đến là tổ chức sử dụng dữ liệu (data driven) để hỗ trợ quá trình ra quyết định.
Bốn là, các ngân hàng hàng đầu cần xây dựng các nền tảng phát triển ngân hàng mở trên giao diện lập trình ứng dụng (API).
Năm là, cần có sự hợp nhất chặt chẽ hơn nữa với hệ sinh thái thương mại điện tử và thanh toán.
Trao giải thưởng thường niên 2021 cho các ngân hàng Việt Nam
Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021, The Asian Banker đã tiến hành công bố các giải thưởng thường niên 2021 dành cho các ngân hàng Việt Nam.
Về hạng mục Giải thưởng đổi mới công nghệ, có 5 ngân hàng được vinh danh.
Theo đó, Giải thưởng tự động hóa quy trình tốt nhất Việt Nam được trao cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Giải thưởng dịch vụ tài chính bán lẻ xuất sắc thuộc về Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).
Giải thưởng sản phẩm đầu tư tốt nhất tại Việt Nam: Công ty CP Chứng khoán Techcombank.
Giải thưởng sản phẩm cho vay cá nhân tốt nhất Việt Nam: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Giải thưởng sản phẩm cho vay thế chấp tốt nhất Việt Nam: Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Về hạng mục Giải thưởng Ngân hàng bán lẻ hàng đầu, có 3 ngân hàng được vinh danh.
Ngân hàng bán lẻ có cải tiến tốt nhất Việt Nam: Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB).
Ngân hàng kỹ thuật số tốt nhất Việt Nam: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).