Ngân hàng và tòa án bắt tay tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu

Ngô Hải| 26/03/2021 22:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 26/3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức Tọa đàm: Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại tòa án và thi hành án.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNHVN) TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu, đặc biệt liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm tại tòa và thi hành án. Trên tinh thần đó, buổi tọa đàm được tổ chức nhằm giúp các TCTD và tòa án tìm ra các điểm chung, từ đó có những giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc đang tồn tại, ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu tại các TCTD.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm

Tồn tại nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình xử lý nợ xấu tại TCTD

Trình bày tham luận tại tọa đàm, bà Nguyễn Hồ Thu Thủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, HHNHVN đã nêu bật những khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các TCTD tại tòa án, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại tòa án các cấp.

Bà Thủy cho biết, qua thực tế, Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng đã tổng hợp thành 2 nhóm vướng mắc chính, gồm:

Nhóm thứ nhất, các vướng mắc, bất cập kiến nghị cần thống nhất nhận thức và áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn xét xử, gồm: bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; quy định về chủ thể của quan hệ bảo đảm bằng tài sản; việc nhận và xử lý tài sản bảo đảm của hộ gia đình; hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi ngân hàng bị tuyên vô hiệu (một phần hoặc toàn bộ) do chỉ có người gửi tiền ký kết; thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ của bên thứ ba; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án; trường hợp nhiều tài sản bảo đảm cho một khoản vay và ngược lại; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm; đình chỉ thi hành án tài sản của bên thứ ba trong quá trình giải quyết phá sản…

Nhóm thứ hai, các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính tố tụng, gồm: hồ sơ khởi kiện; gửi văn bản tố tụng; thời hạn giải quyết vụ án; gửi bản án/quyết định cho ngân hàng; thụ lý và triệu tập ngân hàng tham gia tố tụng; địa chỉ người bị kiện.

Bà Nguyễn Hồ Thu Thủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng phát biểu tại tọa đàm

Trong các khó khăn vướng mắc được liệt kê, bà Thủy cho rằng có một số quan điểm của tòa án khiến các TCTD hoang mang, lo lắng, có thể kể đến đó là quy định của pháp luật về “bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình”. Hay liên quan đến việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm, thì quan điểm giải quyết của tòa án còn cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tiễn…

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Thẩm phán, Chánh tòa kinh tế - TAND TP.HCM cho biết, những năm gần đây, tranh chấp về hợp đồng tín dụng được toà án thụ lý giải quyết ngày càng nhiều. Kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (15/8/2017) đến nay, TAND hai cấp tại TP.HCM đã thụ lý 12.333 vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan việc xử lý nợ xấu của các TCTD, đã giải quyết 9.897 vụ việc, còn 2.361 vụ việc chưa giải quyết, tỷ lệ giải quyết đạt 80,25%. Riêng tại TAND TP.HCM thụ lý 2.809 vụ, giải quyết là 1.686 vụ, tỷ lệ giải quyết đạt 60%.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Thẩm phán, Chánh tòa kinh tế - TAND TP.HCM phát biểu tại tọa đàm

Cũng theo bà Dung, thực tiễn xét xử cũng phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, có thể kể đến như: việc thụ lý và giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn theo quy định của Nghị quyết số 42; xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp… đặc biệt là khó khăn trong việc xác minh hiện trạng tài sản, thu thập chứng cứ.

Tỷ lệ thi hành án chỉ đạt ở mức thấp

Toàn cảnh tọa đàm

Chia sẻ về thực trạng thi hành án, kết quả thi hành án liên quan đến các TCTD trong thời gian qua của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn TP.HCM, ông Phan Văn Thụy, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục THADS TP.HCM cho biết, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế, chưa đạt theo tiến độ chung mặc dù Đảng ủy, Ban lãnh đạo Cục THADS TP.HCM luôn xác định việc tổ chức thi hành án cho các TCTD là nhiệm vụ trọng tâm.

Số liệu thống kê về kết quả thi hành án liên quan đến TCTD tại TP.HCM trong 3 năm gần đây được ông Thụy đưa ra cho thấy, tỷ lệ các vụ việc thi hành án liên quan đến TCTD trên địa bàn TP.HCM được giải quyết vẫn ở mức thấp. Năm cao nhất chỉ đạt hơn 24%/năm (2018 và 2020), còn năm 2019 thì con số này chưa tới 12%. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Số tiền thu hồi lại theo đó cũng đạt rất thấp, có năm chỉ đạt gần 10% (2019).

Kết quả thi hành án còn chậm được ông Thụy lý giải là do các quy định về trình tự thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong thi hành án còn rất phức tạp, ngoài ra còn có sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành. Trong khi đó, số lượng tiền phải thi hành án cho các TCTD là rất nhiều, chiếm trên 50% tổng giá trị mà các cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành. Do vậy, áp lực đối với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết việc thi hành án liên quan đến các TCTD là rất lớn.

Ông Thụy cho biết thêm, có nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Thực trạng này là do các nguyên nhân khách quan, cơ bản như: Hầu hết những vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng đều phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn; trình tự, thủ tục xử lý tài sản (nhất là thủ tục xử lý bất động sản) còn khá phức tạp mất nhiều thời gian; một số trường hợp hiện trạng tài sản thế chấp không phù hợp, có sai lệnh nhiều về diện tích giữa thực tế so với giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng gây khó khăn cho việc xác minh xử lý tài sản…

Tìm giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, bà Trần Thị Mỹ Ngọc, Phó Chánh án TAND Quận 3, TP.HCM kiến nghị cần có biện pháp chế tài đối với người có tài sản thế chấp (hoặc những người liên quan đến người có tài sản thế chấp) nếu họ cố tình không hợp tác, cố tình kéo dài thời gian giải quyết vụ án của tòa án. Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể đối với các TCTD khi nhận tài sản thế chấp phải tiến hành thẩm định, kiểm tra tài sản thế chấp trên thực tế với trên giấy tờ có trùng khớp với nhau không.

“Đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo, hướng dẫn về việc triển khai, thi hành, áp dụng thống nhất quy định về thủ tục rút gọn tại Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP, Nghị quyết 42/2017/QH14 và Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự”, bà Ngọc kiến nghị.

Về phía Cục THADS TP.HCM, ông Thụy kiến nghị, để đẩy nhanh tiến độ thi hành án cần tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan THADS với các TCTD trong giải quyết hồ sơ thi hành án thông qua thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan THADS với các TCTD, ngân hàng. Đồng thời, thực hiện sửa đổi những quy định của pháp luật liên quan đến việc hoãn thi hành án khi tài sản kê biên có tranh chấp theo hướng những tài sản có hồ sơ pháp lý rõ ràng thì không thực hiện hoãn thi hành án.

“Cần xác định rõ quan điểm và trách nhiệm khi tham gia giải quyết việc thi hành án đó là trách nhiệm chung, là sự phối hợp, hỗ trợ để cùng nhau xử lý các khoản nợ xấu của TCTD, giúp cho hoạt động của TCTD ngày càng lành mạnh hơn”, ông Thụy kiến nghị thêm.

Ông Phan Tấn Trung, Phó Chánh Thanh tra giám sát, NHNN Chi nhánh TP.HCM nêu kiến nghị tại tọa đàm

Trong khi đó, ông Phan Tấn Trung, Phó Chánh Thanh tra giám sát, NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị, các bộ, ngành liên quan cần có văn bản có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đồng bộ việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 (Bộ Công an, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Tài Chính, Bộ Tư Pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục Thuế, UBND các cấp...) để việc thực hiện được thông suốt. 

Đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng tại Tòa án theo Điều 8 Nghị quyết 42, ông Trung cho rằng, dù toà án đã ban hành hướng dẫn tuy nhiên cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về Nghị quyết 42 và các giai đoạn xử lý như: Hướng dẫn xử lý khi gặp những vướng mắc trong quá trình thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác (hướng dẫn từ cơ quan ban hành, cơ quan công an, chính quyền địa phương...).

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNHVN phát biểu kết luận buổi tọa đàm

Phát biểu kết luận tọa đàm, Tổng Thư ký HHNHVN Nguyễn Quốc Hùng một lần nữa nhắc lại, tọa đàm được tổ chức nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hội viên HHNHVN và việc bảo vệ này được dựa trên cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật. "Các vướng mắc được các TCTD nêu lên tại buổi tọa đàm sẽ được Hiệp hội tập hợp để gửi tới TAND TP.HCM, cũng như các bộ, ngành có liên quan",  Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, để giải quyết triệt để các vướng mắc hiện nay, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, HHNHVN sẽ đề nghị NHNN có các buổi làm việc với các cơ quan có liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) để tháo gỡ khó khăn các TCTD đang gặp phải, qua đó giúp các TCTD hoạt động lành mạnh và an toàn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng và tòa án bắt tay tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO