VN-Index ghi nhận phiên giằng co rung lắc thể hiện tâm lý thận trọng vẫn hiện hữu khi thị trường trở về vùng hỗ trợ 1.270 điểm.
Thị trường ghi nhận diễn biến tăng điểm tốt đầu phiên hôm nay (ngày 7/10) với sự hồi phục ở nhóm ngân hàng, chứng khoán. Theo thống kê, STB, TPB, HCM nằm trong số trong những gương mặt nổi bật trong phiên. Tuy nhiên, việc sức mua giảm và áp lực bán còn hiện hữu khiến động lực tăng của VN-Index chưa đủ thuyết phục và xuất hiện diễn biến rung lắc trượt điểm.
Sắc đỏ có xu hướng lan tỏa với áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến chỉ số chung trồi sụt và giảm điểm dưới tham chiếu. Cụ thể, áp lực chốt lời ở nhóm ngành thực phẩm có dấu hiệu gia tăng khi VNM giảm mạnh hơn 2%. Chỉ số tiếp tục lình xình quanh mốc tham chiếu với lực cầu chủ yếu đến từ nhóm ngành Ngân hàng và chứng khoán với các cổ phiếu như STB, TPB và SSI đều có mức tăng tốt giữ cho chỉ số chung không bị tụt giảm quá mạnh.
Mặc dù dòng tiền vẫn có sự luân chuyển, tuy nhiên việc thanh khoản trong phiên chững lại cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư khi thị trường đang kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.270 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên sáng giúp lấy lại cân bằng cho thị trường đã chuyển qua trạng thái giằng co trong phiên chiều do sức ép gia tăng từ các mã lớn như VCB, BID đảo chiều giảm, cùng HDB, OCB, VIB, SSB, NAB đều đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, STB, CTG và TCB hút dòng tiền đã góp phần giữ cho thị trường không giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng phiên hôm nay khi duy trì được biên độ tăng, ngược dòng xu hướng thị trường. Trong đó, ORS vẫn là mã sôi động nhất ngành với hơn 14 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 3,8%. Các mã tăng tích cực trong ngành như VCI tăng 3,72%, HCM tăng 2,13%. Ngoài ra, FTS tăng 2,26%, VDS tăng hơn 2%, MBS, BSI, CTS, AGR đều tăng hơn 1%...
Thanh khoản phiên hôm nay tiếp tục suy giảm về mức thấp, giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt 13.560 tỷ đồng.
Khối ngoại duy trì đà bán ròng sang phiên thứ 2 liên tiếp với giá trị bán ròng đạt hơn 395 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán các mã VPB, HDB, SHS.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, sàn HOSE có 170 mã tăng và 202 mã giảm, VN-Index giảm 0,67 điểm (-0,05%), xuống 1.269,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 542,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 11.849 tỷ đồng, giảm 11% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 45,4 triệu đơn vị, giá trị 1.108 tỷ đồng.
Sàn HNX có 67 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index giảm 0,20 điểm (-0,09%), xuống 232,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,9 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.168 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và giảm 2% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 482 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 106 mã tăng và 116 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,10 điểm (+0,11%), lên 92,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,4 triệu đơn vị, giá trị 542 tỷ đồng, giảm 23% về khối lượng và tăng 6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 235 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó VN30F2410 giảm 3 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.340 điểm, khớp lệnh hơn 203.410 đơn vị, khối lượng mở hơn 59.860 đơn vị.
Với diễn biến thị trường hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục cơ cấu lại danh mục theo hướng bán giảm những mã suy yếu khi có nhịp hồi phục. Cùng với đó, nhà đầu tư vẫn có thể duy trì nắm giữ và thậm chí cân nhắc giải ngân thêm đối với những mã đang ở vùng hỗ trợ cứng, ví dụ như nhóm dầu khí, hoặc canh các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên để giải ngân cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn đối với cổ phiếu thuộc các nhóm ngành vẫn thu hút được lực cầu tích cực như chứng khoán, ngân hàng.
Về chiến lược thị trường tuần này, CTCK VNDIRECT cho rằng, chỉ số VN-Index có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm (+/- 10 điểm). Chuyên gia VNDIRECT kỳ vọng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng này và chỉ số VN-Index ít khả năng điều chỉnh sâu hơn vùng này.
“Trong trung hạn, quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay tới cuối năm nhờ chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu mới chỉ bắt đầu, Ngân hàng Nhà nươc sẽ có thêm dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng cung tiền trong những tháng cuối năm, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong 2 quý cuối năm, được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và mức nền so sánh thấp trong nửa cuối năm 2023”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCK VNDIRECT
Do đó, chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290-1.300 điểm có thể xem xét giải ngân trở lại, ưu tiên các mã cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và dầu khí.