Điều hành chính sách tài khóa cần tiếp tục chủ động, linh hoạt

Lan Nguyễn| 04/10/2021 07:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - “Việc nhìn lại những bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 là rất cần thiết cho việc thực hiện NSNN năm 2022 và những năm tiếp theo...” là đánh giá của PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính về chính sách tài khóa năm 2021 và các vấn đề với năm 2022 của Việt Nam nhằm vượt qua khủng hoảng COVID-19, tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội vừa được Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

Thu ngân sách năm 2021 sẽ khó khăn hơn rất nhiều

Đánh giá khái quát về tình hình cân đối ngân sách năm 2020-2021 tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho biết, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng nhất kể từ Đại suy thoái 1929-1933 và có thể dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính, tiền tệ.

Hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu và các quốc gia, đối tác lớn tăng trưởng âm trong năm 2020; hàng trăm triệu lao động mất việc làm, giảm sâu thu nhập, gây ra tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về việc làm, thất nghiệp, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu.

Mặc dù vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng dương. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mức 2,4% và là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, đó là: Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành một loạt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đã rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các gói hỗ trợ tài chính đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Ước tính của Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đã làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 3.700 tỉ đồng.

"Hệ quả của việc thực hiện các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cùng với những khó khăn của kinh tế chung, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm ngân sách thu không đạt được dự toán ở một số nhóm thu lớn như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 82,6%, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 90%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 91%. Kết quả này có thể coi là chấp nhận được trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm mạnh vì dịch bệnh", PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu rõ.

Với sự gia tăng về dịch bệnh ở nhiều địa phương những tháng gần đây, ngân sách năm 2021 theo ước tính sẽ còn khó khăn hơn nhiều so với năm 2020.

Với năm 2021, theo số liệu gần nhất của Bộ Tài chính, số thu 8 tháng năm 2021, thu NSNN ước đạt 1.004,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,8% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020. Song, tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các tháng tới do độ trễ của tình hình kinh tế đến số thu thuế. Dự báo, thu cân đối NSNN năm 2021 sẽ chỉ đạt khoảng 96%-98% dự toán đầu năm, trong đó thu nội địa từ thuế và phí ước sẽ chỉ đạt khoảng 92%-94% dự toán.

Mặc dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn song để đối phó với dịch bệnh, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, nhiều khoản chi lại cần tăng lên như chi chế độ đặc thù đối với những người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch và những người phải cách ly tập trung; chính sách hỗ trợ cho người dân chịu tác động lớn bởi dịch bệnh; cơ chế đảm bảo kinh phí và bố trí nguồn ngân sách trung ương (NSTW) để bổ sung cho các Bộ, địa phương để phòng chống dịch.

Đánh giá về dự toán thu và chi NSNN, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, đã thận trọng hơn và bám sát hơn các yếu tố vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP và lạm phát. Dự toán NSNN năm 2021 đã cân nhắc các yếu tố thách thức như dịch COVID-19 và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA.

"Dự toán thu NSNN giảm gần 10 % so với kết quả thực hiện năm 2020 là khá thận trọng và phù hợp với tình hình năm 2021. Các khoản thu chính cũng được dự toán với sự thận trọng khi hầu hết dự toán thu năm 2021 đều giảm so với dự toán năm 2020, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm dự toán thu giảm so với năm trước. Dự toán chi cân đối NSNN cũng giảm đi so với năm 2020 (chỉ bằng 96,5% dự toán năm 2020), trong đó, chủ yếu là giảm chi thường xuyên", PGS.TS Vũ Sỹ Cường chia sẻ.

Tính đến hết tháng 8/2021, tổng chi NSNN ước đạt 54,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 39,2% dự toán, NSNN đã chi 17,2 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch; 1,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Xác định trọng tâm trong chính sách tài khóa cho năm 2022

Đề cập đến chính sách tài khóa năm 2022 tại Tọa đàm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những thay đổi khó lường và gần như hết hy vọng về chính sách Zero covid, sống chung với dịch bệnh đã trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia. Vì vậy, xây dựng chính sách tài khóa sẽ phải quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, rủi ro của các yếu tố bên ngoài có thể tác động xấu đến tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN và tăng chi NSNN.

Thứ hai, dự toán thu và chi NSNN cần tiếp tục duy trì sự thận trọng hơn và theo nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp.

Việc lập dự toán ngân sách thận trọng là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp song cần tránh quá cứng nhắc trong bối cảnh mới với nhiều yếu tố bất định. Dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ NSNN vẫn luôn có nhiều thách thức nhất là với chi đầu tư. Số liệu cho thấy, việc lập dự toán và chấp hành dự toán đúng luôn là vấn đề chưa được giải quyết khi mà số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao (tỷ lệ này giảm đi đôi chút vào giai đoạn 2012-2014 và lại tăng cao trở lại vài năm gần đây). Khi ngân sách chuyển nguồn quá lớn lên tới gần 40 % tổng chi cân đối NSNN (2019) thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thứ ba, bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 có những thay đổi rất lớn do tác động của COVID-19; vì vậy, Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Thứ tư, xem xét mở rộng các gói hỗ trợ chính sách tài khóa. Cho rằng Ngân hàng Thế giới dự báo COVID-19 sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị chính sách tài khóa dành cho xóa đói giảm nghèo và phục hồi sau COVID-19 cũng cần phải được chú ý đặc biệt. Do ảnh hưởng của COVID-19 cũng đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến an sinh xã hội của người dân và rủi ro phá sản của doanh nghiệp.

Để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Để khuyến khích doanh nghiệp trong một số lĩnh vực tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất năm 2021-2022 có thể nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước hoặc chính sách cấp bù chi phí.

Thứ năm, điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi cho y tế trong NSNN. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có mức độ chi tiêu cho y tế khá so với các quốc gia cùng thu nhập nhưng cần xem xét việc tiếp tục tăng chi tiêu cho y tế khi mà dịch COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu và không thể biến mất hoàn toàn. PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề nghị cần bố trí đủ nguồn lực cho mua vaccine không chỉ năm 2021 mà cả giai đoạn 2021-2025; đồng thời tăng chi phí cho điều trị bệnh nhân COVID-19. Điều này cũng đặt ra những vấn đề cho chính sách tự chủ tài chính ở các bệnh viện công hiện nay.

Thứ sáu, vấn đề huy động nguồn ngân sách. Dịch bệnh gây khó khăn cho thu NSNN năm 2021 và cả năm 2022 song nhu cầu chi tiêu rất lớn để hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung (người sản xuất) và cầu (người tiêu dùng).

Trong trung hạn từ năm 2022-2025 khi kinh tế trong nước và quốc tế hồi phục, lãi suất huy động có thể tăng trở lại khi nhu cầu vốn cho nền kinh tế tăng lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phục hồi sau dịch bệnh. Đồng thời, chính sách tài khóa cần xem xét lại phân cấp chi giữa trung ương và địa phương. Việc phân cấp mạnh mẽ có những ưu điểm song cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt là các vấn đề liên vùng. Nếu không có cơ chế về tài chính và ngân sách cho việc thực hiện các dự án liên vùng thì Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội mang tính liên tỉnh.

"Năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Dịch bệnh COVID-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được", PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều hành chính sách tài khóa cần tiếp tục chủ động, linh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO