Theo Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), nông nghiệp và thực phẩm, công nghệ mới trong sản xuất, năng lượng tái tạo là các lĩnh vực được doanh nghiệp Đức quan tâm trong năm 2024.
Theo dự báo của Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), các ngành có thể nhận được nhiều đầu tư của nước này năm 2024 là nông nghiệp và thực phẩm; số hóa và các giải pháp đổi mới công nghệ trong sản xuất, kho vận, giáo dục, y tế; năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Trong 11 tháng năm 2023, Đức đã củng cố sự hiện diện tại Việt Nam thông qua việc khởi động 28 dự án FDI mới, tương đương với tổng giá trị vốn đăng ký 342 triệu USD, tăng 410,1% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế đến tháng 10/2023, tổng số dự án FDI Đức tại Việt Nam là 459, giá trị 2,5 tỷ USD.
Ông Elmar Dutt và ông Torben Minko, Đồng Chủ tịch GBA đánh giá sự hiện diện và gia tăng đầu tư này không chỉ phản ánh niềm tin của các công ty Đức với thị trường, mà còn đồng nghĩa "Việt Nam được xem như một điểm đến đầy hứa hẹn cho những ai đang quan tâm đến việc mở rộng quy mô kinh doanh tại châu Á".
Tính đến nay, có khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tích cực tại Việt Nam hoặc đang hợp tác kinh doanh với các công ty Việt Nam.
Một cuộc khảo sát do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Vietnam) thực hiện cho thấy, khoảng 91% các doanh nghiệp Đức đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bất chấp những quan ngại toàn cầu, khảo sát AHK World Business Outlook - Mùa Thu 2023 vẫn nhấn mạnh sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với các công ty Đức.
Khảo sát này cho thấy 42% các công ty Đức tại Việt Nam ưu tiên chiến lược đa dạng hóa sản xuất. Lần lượt theo sau là bán hàng và tiếp thị chiếm 41%, dịch vụ chiếm 35%, và kho vận (logistics) chiếm 31%, điều này đã thể hiện được sự tiếp cận toàn diện trong phát triển kinh doanh.
Bên cạnh đó, khoảng 50% các công ty được khảo sát nhận ra tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là một yếu tố quan trọng khi xem xét mở rộng đầu tư.