Doanh nghiệp Đức bày tỏ lạc quan với kinh tế Việt Nam

T.H| 10/04/2020 09:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dù quan ngại những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới tình hình sản xuất và kinh doanh của mình tại Việt Nam nhưng các doanh nghiệp Đức vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế trong trung hạn. Bởi lẽ, các chỉ số tại Việt Nam đều cao hơn hẳn mức trung bình tại khu vực Đông Nam Á.

Theo AHK World Business Outlook (AHK WBO) – Khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức toàn cầu - vừa  được Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) công bố, năm 2020 được dự đoán sẽ là một năm đầy thách thức với kinh tế toàn cầu, khi mà đại dịch Covid- 19 trong những tuần gần đây tiếp tục lan rộng và khó dự đoán trên khắp các Châu lục.  Tại Việt Nam, mặc dù chính phủ Việt Nam đã rất kịp thời ứng phó để ngăn chặn sự lan rộng ngay từ ban đầu, sự ảnh hưởng của việc phòng chống dịch đối với mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, cũng như tới các hoạt động kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp Đức là không thể tránh khỏi.

Số liệu khảo sát cho thấy, 43% doanh nghiệp Đức cảm nhận được những ảnh hưởng mà dịch bệnh mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, mặc dù Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng và các thế mạnh hiện tại. Cứ 5 doanh nghiệp được hỏi thì có 1 doanh nghiệp khẳng định sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ vực dậy được nền kinh tế và tiếp tục đà phát triển của mình trong trung hạn. Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các gói cứu trợ để giải cứu doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh này. Khi việc thực hiện các gói cứu trợ được tiến hành quyết liệt, nhanh chóng và ngay lập tức, doanh nghiệp kỳ vọng nền kinh tế sẽ nhờ vậy mà nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tăng trưởng.

Phần lớn các doanh nghiệp cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các sự kiện quan trọng đều hủy bỏ, các hoạt động du lịch đều tạm hoãn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các ngành dịch vụ, đặc biệt trong logistics, thương mại, nhà hàng, khách sạn… 14% doanh nghiệp Đức dự tính kết quả hoạt động kinh doanh trong năm 2020 sẽ kém hơn năm ngoái. Trong khi có tới 59% trong số đó nhận định tình hình khả quan hơn nhưng cũng chỉ đủ đạt mức chuẩn của 2019.

Chỉ có 27% doanh nghiệp Đức lạc quan với sự phát triển kinh doanh của năm 2020 so với 2019 (chỉ số này đạt mức 77% vào năm 2019). “So sánh với các chỉ số trung bình được đánh giá bởi các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức tại Đông Nam Á, các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn và cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp Đức vào tình hình phát triển của chính doanh nghiệp mình tại Việt Nam”, DIHK nhấn mạnh.

Hầu hết các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đều cảm nhận và trải nghiệm những ảnh hưởng của dịch bệnh tới doanh nghiệp mình, ở các mức độ khác nhau và các góc độ khác nhau. 86% doanh nghiệp cho rằng việc tạm dừng xuất nhập cảnh, hạn chế đi lại ảnh hưởng lớn đển tình hình kinh doanh của họ. 59% người tham gia khảo sát cho rằng dịch bệnh đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng của họ. 55% doanh nghiệp Đức phải đối mặt với các đơn hàng bị hủy… 68% doanh nghiệp cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ làm giảm mạnh nhu cầu của thị trường, qua đó gây thiệt hại lớn đối với doanh nghiệp của họ tại Việt Nam. 59% doanh nghiệp Đức nhận định chính sách kinh tế tại Việt Nam sẽ là một thách thức đối với sự phát triển của doanh nghiệp họ trong vòng 12 tháng tới.

Mặc dù vậy, 72% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cho biết vẫn tiếp tục kế hoạch đầu tư tại đây và 27% trong số họ sẽ tuyển thêm nhân sự. DIHK đánh giá, đây cũng là thành quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của chính phủ Việt Nam cũng như những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Hiệp định này được kỳ vọng sẽ là một đòn bẩy giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi và quay về mức tăng trưởng như hiện tại và thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư chất lượng tới từ Châu Âu và Đức trong trung và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Đức bày tỏ lạc quan với kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO