Kết nối

Doanh nghiệp FDI giữ vị trí áp đảo về nguồn cung thịt lợn

Thanh Thanh 15/08/2024 15:00

Doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chăn nuôi lợn đang giữ vị trí áp đảo khi chiếm đến 43% trong cơ cấu nguồn cung thịt lợn trong khi doanh nghiệp nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%…

Việt Nam nằm trong Top 10 về chăn nuôi lợn

Thông tin tại Hội nghị "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững trong tình hình mới" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hôm 14/8 cho biết, từ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp trước đây, năm 2023 Việt Nam đã được biết đến là một quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 về đầu con và thứ 6 về sản lượng thịt (Trung Quốc 48%, EU 20%, Mỹ 11%, Brazil 4%, Nga 4%, Việt Nam 3%) so với thế giới.

picture1(1).jpg
Hội nghị "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững trong tình hình mới" do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 14/08. Ảnh: Nongnghiephuuco

Trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của Việt Nam có sự biến động lớn về tổng đàn và sản lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2019 - 2023, đàn lợn (không bao gồm lợn con theo mẹ) mặc dù giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nhưng đã dần khôi phục lại như thời điểm trước khi xảy ra dịch.

Năm 2023, chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp (DN); chăn nuôi trang trại theo chuỗi, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và ứng dụng công nghệ tiến tiến gia tăng. Do đó, thời điểm cuối năm 2023, tổng đàn lợn đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,0%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023.

picture2(1).jpg
Chăn nuôi lợn tại Công ty CP

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024 đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023.

Đáng chú ý, theo ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.

Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 và 2023 cho thấy, DN nội chỉ chiếm khoảng 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, DN FDI chiếm 43% (theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank –VCBS).

Các DN chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.

Xây chung cư cho lợn

Thông tin tại Hội nghị cho biết, giải pháp chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 và chủ yếu được áp dụng ở Trung Quốc. Tính đến nay, tại Trung Quốc đã có khoảng 1.830 dự án với 4.282 tòa nhà cao tầng chăn nuôi lợn. Điển hình là các Tổ hợp chăn nuôi lợn của công ty Yangxiang, Khu phức hợp chăn nuôi lợn của Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Animal Husbandry…. Nhà tầng nuôi lợn cao nhất cho đến nay đã đạt 26 tầng.

picture3(1).jpg
"Chung cư nuôi lợn" của HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai (Hà Nội) áp dụng quy trình chặt chẽ đảm bảo vệ sinh, thân thiện với môi trường. Ảnh: Nongnghiephuuco

Mô hình này cũng đã bắt đầu được triển khai ở Việt Nam tuy chưa nhiều. Năm 2016, Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội đã hoàn thiện đưa vào hoạt động “chung cư chăn nuôi lợn 3 tầng có thang máy” tương đối hiện đại tại thời điểm xây dựng theo hướng chăn nuôi bền vững, an toàn, phù hợp từng giai đoạn trưởng thành, cân nặng và tình trạng sức khoẻ của đàn lợn.

Thương hiệu “thực phẩm A-Z” khép kín từ sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối đạt tiêu chuẩn OCOP và có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị lớn của TP Hà Nội.

Năm ngoái, Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hoá (Xuân Thiện Thanh Hoá) cũng có công văn đề xuất UBND tỉnh Thanh Hoá về phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng.

“Chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng là mô hình chăn nuôi lợn kiểu mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi; rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng; tiết kiệm hạ tầng dùng chung, tăng hiệu quả sử dụng đất; nâng cao năng suất, chất lượng; quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường. Đặc biệt mô hình công nghệ này có khả năng giải quyết được vấn đề lọc khí và khử mùi trong chuồng trại, áp dụng tổ hợp các công nghệ cao xử lý nước thải ở các giai đoạn khác nhau…”, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Cũng theo đại diện Cục chăn nuôi, so với nuôi lợn trong trang trại truyền thống (1 tầng) thì đầu tư ban đầu của mô hình chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng chi phí cao hơn so 1,6 - 1,8 lần/lợn nái; nhưng trước mắt cho thấy hiệu quả sử dụng tốt hơn, khấu hao thấp hơn và đặc biệt góp phần rất lớn vào đảm bảo an ninh lương thực, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

“Năm 2024, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đang chủ trì xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về Trại nuôi lợn tập trung sử dụng nhà có nhiều tầng. Đến nay, dự thảo đã lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện truyền thông. Hy vọng tiêu chuẩn sớm được ban hành để mô hình này được nhân rộng…”, đại diện Cục Chăn nuôi cho biết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp FDI giữ vị trí áp đảo về nguồn cung thịt lợn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO