Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thép lỗ nhiều hơn lãi, Hòa Phát, Hoa Sen “gánh team”

Hoàng Hà 29/10/2023 06:34

Kết quả kinh doanh quý III/2023 cho thấy đa phần các doanh nghiệp ngành thép vẫn thua lỗ, Hòa Phát dù báo lãi quý III tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận 9 tháng vẫn ở vùng đáy 8 năm.

thep1.jpg

2/3 doanh nghiệp ngành thép báo lỗ

Là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thép công bố BCTC quý III/2023, Công ty CP Thép Vicasa – VNSteel (mã VCA) ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt gần 390 tỷ đồng, giảm 18% so với quý II năm ngoái. Sau khi trừ chi phí, Thép Vicasa lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ 23 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022. Như vậy, Thép Vicasa đã báo lỗ trở lại sau 3 quý có lãi liên tiếp.

Nối gót Thép Vicasa, một loạt doanh nghiệp họ VNSteel khác là Thép Thủ Đức - VNSteel (TDS), Thép Nhà Bè – VNSteel (TNB), Gang thép Thái Nguyên (TIS) cũng lần lượt báo lỗ sau thuế 491 triệu đồng, 2,7 tỷ đồng, 58,5 tỷ đồng trong quý III/2023. Kim khí TP. Hồ Chí Minh – VNSteel (HMC) là doanh nghiệp hiếm hoi trong nhóm báo lãi quý III dù mức lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Hàng loạt đơn vị thành viên kinh doanh thua lỗ đã dẫn đến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tổng Công ty CP Thép Việt Nam - VNSteel (TVN) âm 172 tỷ đồng trong quý vừa qua. Tuy nhiên, mức lỗ sau thuế này cũng đã giảm mạnh so với con số lỗ gần 577 tỷ đồng của quý III năm ngoái. Đây là quý lỗ thứ 2 liên tiếp và quý lỗ thứ 5 trong 6 quý gần nhất của “ông lớn” ngành thép này.

Ngoài nhóm VNSteel, một số doanh nghiệp khác trong ngành như Đầu tư Thương mại SMC (SMC) hay Gang thép Cao Bằng (CBI) cũng lỗ lần lượt 178 tỷ đồng và 16,7 tỷ đồng khiến cho bức tranh kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp ngành thép vẫn phủ màu u ám.

Chỉ khi các doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen Group (HSG) công bố BCTC quý III thì bức tranh mới có chút hửng sáng.

hpg.png

Theo đó, quý III/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 28.484 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp của công ty vẫn gấp 3,6 lần cùng kỳ, đạt 3.595 tỷ đồng, kéo biên lợi nhuận gộp quý này cải thiện lên mức 12,6% từ mức 2,9% của cùng kỳ.

Trong kỳ, trừ chi phí quản lý tăng nhẹ lên 301 tỷ đồng, chi phí tài chính và chi phí bán hàng của công ty đều giảm với mức giảm lần lượt là 37,7% (xuống 1.438 tỷ đồng) và 9% (xuống 578 tỷ đồng).

Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 2.000 tỷ đồng trong quý III, thấp hơn đôi chút so với dự báo của một số công ty chứng khoán trước đó, song cải thiện mạnh so với khoản lỗ gần 1.800 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái và gấp hơn 2 lần tổng lợi nhuận của hai quý đầu năm cộng lại.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm. Tăng trưởng lợi nhuận trong quý III của “vua thép” cho thấy đã có sự khởi sắc hơn về kinh doanh nhưng mức lợi nhuận 9 tháng vẫn thấp nhất 8 năm gần đây.

Tương tự, BCTC hợp nhất quý IV niên độ tài chính (NĐTC) 2022-2023 (từ ngày 1/7 đến ngày 30/9/2023) của Hoa Sen Group cũng cho thấy sự phục hồi ấn tượng so với cùng kỳ.

Doanh thu trong kỳ của công ty ghi nhận tăng trưởng 2% so với cùng kỳ, lên 8.107 tỷ đồng, giá vốn giảm mạnh giúp Hoa Sen đạt lãi gộp 1.072 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp từ mức âm 3% của cùng kỳ tăng lên 13% trong quý này.

Bên cạnh đó, các chi phí cũng tiết giảm đáng kể, nhờ đó, công ty báo lãi sau thuế quý IV NĐTC 2022-2023 đạt 438 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ niên độ trước đó lỗ sau thuế 887 tỷ đồng.

Lũy kế NĐTC 2022-2023, doanh thu hợp nhất của Hoa Sen đạt 31.651 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28 tỷ đồng, giảm lần lượt 36,3% và 88,8% so với NĐTC 2021-2022. Như vậy mức lãi sau thuế 438 tỷ đồng trong quý cuối năm vẫn không đủ để kéo kết quả lợi nhuận cả NĐTC 2022-2023 của Hoa Sen khỏi rơi về vùng thấp nhất trong vòng 21 năm qua.

thep.png

Trong khi các doanh nghiệp ngành thép đan xen lãi lỗ trong những quý gần đây thì Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS) và Thép Tiến Lên (TLH) lại là số ít doanh nghiệp vẫn duy trì được nhiều quý có lãi liên tục.

Quý III vừa qua, Ống thép Việt Đức báo lãi 9 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, nối dài chuỗi 46 quý lãi liên tục, kể từ quý II/2012. Với mức lãi sau thuế hơn 5 tỷ đồng trong quý III/2023, Thép Tiến Lên cũng có 13 quý có lãi liên tiếp kể từ quý III/2020.

Thách thức vẫn chờ trong quý IV

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình tiêu thụ thép trong tháng 9 đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc khi sản lượng tiêu thụ đạt 2,2 triệu tấn, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Đây là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận mức tăng trưởng về bán hàng thép thành phẩm so với cùng ngoái. Trong đó, thép xây dựng - mặt hàng chiếm gần một nửa tỷ trọng, tăng 4,2%. Tiêu thụ thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất gần 34%.

Tính chung cả quý III/2023, ngành thép tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn thành phẩm, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đóng góp hơn 2 triệu tấn, tăng 70%.

vsa.png
Nguồn: VSA

Dù sự hồi phục của ngành thép đã và đang được ghi nhận, song trong một báo cáo gần đây Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng ngành thép sẽ chưa thể trở lại đà tăng trưởng từ cuối năm nay.

Theo PSI, thị trường bất động sản chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý IV/2023. Thị trường EU đang trở nên dè dặt hơn với những đơn đặt hàng mới trong tháng 9. PSI nhận định điều này sẽ tiếp diễn trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ là tương đối thấp.

Đồng thời, giá bán thép cũng đang thiếu những động lực hỗ trợ. Nhu cầu yếu là lý do chính khiến cho giá thép giảm liên tục trong 2 quý vừa qua. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong quý cuối năm.

Báo cáo triển vọng ngành thép mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, thị trường bất động sản Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính cho nhóm sản phẩm thép - chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt.

VDSC cho rằng có rủi ro suy giảm với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép sử dụng lò BOF (như Hòa Phát, Pomina,…) trong quý IV/2023, khi giá than cốc chiếm khoảng 30% nguyên liệu sản xuất thép thô đang duy trì ở mức cao và giá thép thanh chưa thể tăng tương ứng do nhu cầu tiêu thụ trong nước còn thấp.

Với riêng Hòa Phát, biên lợi nhuận gộp quý III/2023 ở mức 12,6% (cải thiện so với biên lợi nhuận gộp đạt 8,7% trong nửa đầu năm). Sang quý IV/2023, với kịch bản giá than cốc duy trì ở mức USD 320/tấn trong khi giá thép thanh không tăng, ước tính biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát trong quý IV có thể giảm về mức 10%.

Trong khi đó, tại một tọa đàm gần đây, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho rằng sang năm 2024, nhóm các doanh nghiệp ngành thép sẽ là một trong những nhóm ghi nhận lợi nhuận có sự cải thiện mạnh, bên cạnh bán lẻ, phân bón, thuỷ sản.

“Do mức nền thấp trong nửa đầu năm 2023, nên trong 6 tháng đầu năm 2024, mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thép có thể đạt từ 10% - 15%, biên lợi nhuận có thể phục hồi rõ ràng hơn”, ông Châu nói.

Chuyên gia của SSI cho biết thêm, hiện tại giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm do vậy thời gian tới nhiều khả năng giá mặt hàng này sẽ phục hồi, mặc dù mức độ và thời gian tăng vẫn còn là yếu tố chưa rõ ràng. Tính trung bình, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm 2024 khoảng 70 - 80% so với năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thép lỗ nhiều hơn lãi, Hòa Phát, Hoa Sen “gánh team”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO