Đồng hành với Chính phủ trong hành trình hướng tới NetZero vào năm 2050 không thể thiếu cánh tay đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
COP29 đang diễn ra tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Sự kiện này được kỳ vọng là bước ngoặt trong hành động về khí hậu, với nhiệm vụ chính là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang đặt nhiều kỳ vọng về sự thành công của Hội nghị lần này.
Chính phủ Việt Nam, sau những cam kết mạnh mẽ về Net Zero tại COP26 năm 2021 và cam kết lịch sử về chuyển đổi năng lượng tại COP28 năm 2023, vẫn đang tiếp tục khẳng định sẽ hành động quyết liệt để giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng…
Đồng hành với Chính phủ trong hành trình đó, không thể thiếu cánh tay đắc lực của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Họ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, với nhiều hành động thiết thực, hiệu quả trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực, các phân ngành của nền kinh tế theo xu hướng chuyển đổi xanh.
Chẳng hạn, tại Masan High-Tech Materials, phát triển bền vững được thể hiện qua nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường bằng những sáng kiến thiết thực và lâu dài.
Chia sẻ tại Hội thảo về Phát triển bền vững năm 2024 với chủ đề “Tiên phong chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn”, ông Craig Richard Bradshaw - Tổng Giám đốc Masan High-Tech Materials - cho biết, công ty áp dụng mô hình 3Rs “Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế” vào mọi hoạt động sản xuất và vận hành, không ngừng cải tiến để hướng tới mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải và tối ưu hóa tài nguyên.
“Từ việc tuần hoàn nước thải đến việc tối ưu hóa năng lượng và triển khai các sáng kiến về trung hòa các bon, Masan High-Tech Materials cam kết kiến tạo một môi trường sản xuất thân thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh toàn cầu và đóng góp tích cực vào sự bền vững của hệ sinh thái địa phương”, ông Craig Richard Bradshaw nói.
Masan High-Tech Materials thực hiện phân loại rác thải trong quá trình hoạt động để tái chế thành các dòng sản phẩm mới, với tỷ lệ tái chế đạt hơn 30% trên tổng khối lượng rác thải phát sinh. Trong năm 2023, 7,8 triệu m³ nước thải được tuần hoàn tái sử dụng, phục vụ cho sản xuất, chiếm 76,1% tổng lượng nước sử dụng tại Việt Nam…
Ông Văng Viên Thông – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET - chia sẻ, bắt nhịp với xu hướng Net-Zero mà Việt Nam đã cam kết tại COP26, REPEET đang nỗ lực hành động góp phần giảm phát thải carbon, bảo vệ môi trường và hạn chế khai thác tài nguyên.
“Thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam. Thương hiệu đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang, góp phần giảm thiểu 57% phát thải carbon, và tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ. Bằng cách sử dụng 10 tấn vải REPEET, chúng ta đã góp phần tái chế gần 1,45 triệu chai nhựa PET, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường tương đương một chiếc ô tô chạy 57.000 km, đồng thời tiết kiệm 70.000 lít nước”, ông Thông cho hay.
Trong lĩnh vực ngân hàng, sự cạnh tranh cũng đang ngày càng lớn trong lĩnh vực chuyển đổi xanh. “Các ngân hàng không thể không theo đuổi các tiêu chí ESG”, bà Tống Diệu Linh - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Giao dịch, Khối Thị trường Tài chính và Ngân hàng giao dịch, VPBank nhấn mạnh.
VPBank là một trong những tổ chức tín dụng đi đầu tham gia vào lĩnh vực tín dụng xanh, tăng trưởng danh mục xanh tại Việt Nam.
“Kinh nghiệm của VPBank cho thấy, một tổ chức phải xây dựng được chính sách về phát triển bền vững và lan tỏa được trong toàn hệ thống từ ban lãnh đạo đến cán bộ nhân viên. Sự đồng hành chung tay không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn là sự chung tay trong nội bộ tổ chức, lúc này chuyển đổi xanh mới có nhiều cơ hội thành công”, đại diện VPBank chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường chuyển đổi xanh của ngân hàng, bà Linh cho biết, từ năm 2016, IFC đã hỗ trợ VPBank rất nhiều trong việc tư vấn hỗ trợ nguồn vốn và kỹ thuật. Đến năm 2020, ngân hàng đã ban hành được khung tài chính xanh, năm 2022 ban hành khung tài trợ về xã hội và quy chế quản trị rủi ro môi trường xã hội.
“Là ngân hàng tiên phong, VPBank cũng có trách nhiệm trong việc công bố minh bạch về tài trợ xanh, tín dụng xanh trên thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng có thành công trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không chỉ hỗ trợ trong việc cung cấp nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp mà còn là cung cấp giải pháp và những tài trợ kỹ thuật giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn tài chính xanh, xây dựng cải tiến để tiết kiệm năng lượng, chi phí trong việc vận hành doanh nghiệp”, bà Linh nói thêm.
Khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP Việt Nam cho biết, đối với tất cả các loại hình kinh doanh, việc chuyển đổi là tất yếu và là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong tương lai.
Theo bà Ngọc, yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu - nơi thực hành và báo cáo ESG (CSRD), xã hội và môi trường trong chuỗi cung ứng (CS3D) đang trở thành bắt buộc, sẽ có tác động đáng kể đến Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải nằm trong phạm vi áp dụng của các quy định này, nhưng những ai tuân thủ sẽ có lợi thế trong chuỗi cung ứng châu Âu và toàn cầu.
“Do đó, quá trình chuyển đổi xanh và công bằng không nhất thiết là vấn đề tuân thủ mà là vấn đề cạnh tranh. Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, nếu không chuyển đổi xanh và số thì sẽ đứng trước nhiều nguy cơ tụt hậu, giảm sức cạnh tranh, khó có cơ hội mở rộng thị trường…”, đại diện UNDP phân tích.