Một số doanh nghiệp đề cập đến phương án cho tính chi phí hoá đơn vào cơ cấu tính giá thành xăng dầu. Nguyên nhân được các doanh nghiệp này giải thích, do chi phí đầu tư hạ tầng, công nghệ và vận hành cho xuất hoá đơn điện tử lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Theo ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, xăng dầu cần được xem là hàng hóa đặc biệt, bán hàng liên tục, nguồn lực tài chính hạn chế, đa số nhân viên là lao động phổ thông, trình độ thấp. Do đó, Nhà nước không cần quy định xuất hóa đơn từng lần mà nên cho doanh nghiệp bán lẻ xuất hóa đơn cuối ngày.
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị, nếu Nghị định 123/2020 quyết không thay đổi thì giá cơ sở xăng dầu cần ghi nhận có phần chi phí hóa đơn điện tử 1,5% và xem đây là phần chi phí bắt buộc để tạo nguồn chi cho doanh nghiệp bán lẻ. “Bởi phát sinh việc này doanh nghiệp bán lẻ không có bất kỳ nguồn nào để chi. Chiết khấu hiện chỉ nằm ở mức giới hạn trong công thức giá cơ sở nhưng có quá nhiều khoản để chi”, ông Tây nói.
Ông Tây thừa nhận, việc áp dụng hóa đơn điện tử từng lần, nếu đưa vào giá cơ sở thì sẽ làm tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến CPI. Tuy nhiên, ông cho rằng, chi phí này không mang lại lợi ích do khách hàng không cần hóa đơn trong khi nguồn lực doanh nghiệp không đáp ứng cả về tài chính lẫn nhân lực.
Trước đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, cũng cho rằng cần đưa chi phí đầu tư hạ tầng thiết bị đo kiểm, kết nối dữ liệu với hoá đơn điện tử vào các chi phí đầu tư. Ông cũng đề xuất tính các chi phí thường xuyên khi duy trì hoạt động này trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu với tỉ trọng khoảng 0,5%.
Bình luận về đề xuất tính chi phí hoá đơn vào giá thành xăng dầu, ông Nguyễn Văn Được, chuyên gia về thuế cho hay, về nguyên tắc xuất hóa đơn từng lần sẽ phát sinh chi phí vận hành, lưu trữ và quản lý hóa đơn so với tổng hợp theo ngày.
Tuy nhiên, ông Được đánh giá đề xuất này “không hợp lý” nếu nhìn dưới góc độ quản lý Nhà nước. “Xăng dầu là hàng hoá quan trọng phải do Nhà nước quản lý, tăng giá sẽ ảnh hưởng tới cả nền kinh tế, kéo theo nhiều hệ luỵ”, ông nói.
Ông Được phân tích, doanh nghiệp có lý do để đề xuất khi chi phí tăng lên. Nhưng ở phía người tiêu dùng, họ không có lý do phải chịu thêm chi phí khi yêu cầu nhận hoá đơn mua hàng. Chuyên gia góp ý, để cân bằng lợi ích, Nhà nước cần xem lại mức giá do bên thứ 3 là các đơn vị cung cấp hoá đơn đưa ra đã hợp lý chưa.
Một số chuyên gia cùng quan điểm cho rằng, việc cộng chi phí hóa đơn sẽ làm tăng giá bán lẻ tới người tiêu dùng, nên cơ quan quản lý cần tính toán, cân nhắc kỹ trước khi quyết định.
Nhìn nhận “đây là đòi hỏi chính đáng” nhưng TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh, phải lưu ý tính toán rất cụ thể. “Không thể khẳng định ngay là nên hay không cho tính mà phải cùng ngồi lại tính cách phân bổ sao cho hợp lý”, ông nói.
Chuyên gia này dẫn ví dụ một chiếc xe máy đổ 3 đến 5 lít xăng mỗi lần, trong khi ô tô khoảng 30 đến 50 lít. Nếu tính trung bình đổ 3 đến 5 lít xuất 1 hoá đơn thì 1 lít xăng phải chịu chi phí 100 đồng trong khi lợi nhuận có khi chỉ khoảng 300 đồng. “Nếu không tính vào giá thành thì bước đầu Nhà nước cũng có thể tính toán sao cho doanh nghiệp nộp thuế giảm đi”, ông nói thêm.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp để cửa hàng xăng dầu xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12/2023. Quy định này được thực hiện theo Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ tháng 7/2022. Nhưng đến cuối 2023 mới có gần 18% cây xăng bán lẻ trên cả nước thực hiện, chủ yếu của Petrolimex, Saigon Petro. Các doanh nghiệp còn lại dù đã thực hiện hoá đơn điện tử nhưng chưa xuất từng lần bán theo quy định.
Đánh giá về lợi ích của hoá đơn điện tử, các chuyên gia đều khẳng định, cây xăng buộc phải liên thông và xuất hoá đơn để tránh nguồn xăng dầu lậu nhập vào và minh bạch lượng xăng dầu bán ra.
Để quy định này sớm được triển khai đồng bộ, các chuyên gia cho rằng, cơ quan thuế cần tăng cường tuyên truyền bên cạnh những chế tài xử lý, để các đơn vị kinh doanh tham chiếu. Song song với đó, cơ quan quản lý cần có giải pháp khuyến khích người tiêu dùng có ý thức lấy hóa đơn khi mua hàng, có thể thực hiện thông qua hình thức xổ số hóa đơn như với một số trường hợp đang thực hiện.