Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h hôm nay (ngày 4/1), giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm nhẹ, trong khi đó, giá xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng đi lên theo đà tăng từ phiên trước.
Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5RON92 không cao hơn 21.006 đồng/lít, giảm 180 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, thấp hơn xăng RON95-III 911 đồng/lít. Giá xăng RON95-III không cao hơn 21.916 đồng/lít, giảm 232 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Cùng lúc, dầu điêzen 0.05S không cao hơn 19.368 đồng/lít, giảm 420 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu hỏa không cao hơn 19.957 đồng/lít, giảm 500 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu madút 180CST 3.5S không cao hơn 15.495 đồng/kg, giảm 190 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.
Mặt hàng | Giá từ ngày 30/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.916 | -232 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.006 | -180 |
Dầu diesel | 19.368 | -420 |
Dầu hỏa | 19.957 | -500 |
Trong năm 2023, giá xăng đã trải qua 38 lần điều chỉnh, trong đó có 21 lần tăng, 14 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích), trong khi không trích lập và không chi quỹ bình ổn đối với các loại xăng dầu khác.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay có xu hướng đi lên theo đà tăng từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 14h58' ngày 4/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,57 USD/thùng, tăng 0,32 USD, tương đương 0,41% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,14 USD/thùng, tăng 0,44 USD, tương đương 0,61% so với phiên liền trước.
Giá dầu đi lên do căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn tiếp diễn, gây lo ngại khả năng gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông có khả năng khiến các tuyến vận tải dầu trọng yếu phải đóng cửa và làm gián đoạn hoạt động thương mại.
Tâm lý lo ngại nguồn cung khi rủi ro địa chính trị gia tăng có thể là chất xúc tác khiến giá dầu tăng trong ngắn hạn.
Cùng với đó, giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ các biện pháp kích thích kinh tế mới của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Theo Oilprice, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch nhập khẩu 179,01 triệu tấn dầu cho năm 2024, cao hơn 60% so với năm 2023. Đây có thể là động lực thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu của nước này.
Hơn nữa, kỳ vọng vào nhu cầu đi lại của người dân Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới sẽ tăng mạnh cũng nâng đỡ giá dầu.
Các nhà kinh tế và nhà phân tích dự đoán, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 82,56 USD/thùng trong năm 2024, tăng nhẹ so với mức trung bình 82,17 USD của năm 2023, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu sẽ hạn chế nhu cầu. Song căng thẳng địa chính trị có thể khiến giá dầu tăng cao hơn.