(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 17/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức hội thảo “Lý luận và thực trạng phân bổ vốn đầ tư công, giám sát của Quốc hội về phân bổ vốn đầu tư công”.
Hội thảo “Lý luận và thực trạng phân bổ vốn đầ tư công, giám sát của Quốc hội về phân bổ vốn đầu tư công” |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đầu tư công là hoạt động quan trọng của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Những năm gần đây, đầu tư công càng được đặc biệt quan tâm do nhiều quốc gia trên thế giới đều mong muốn tăng hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh nợ công gia tăng, thông qua hoạt động đầu tư công để tạo môi trường và thúc đẩy phát triển.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh yêu cầu phát triển rất cao, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nợ công có xu hướng tăng, nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả, vấn đề đầu tư công càng trở thành tâm điểm thảo luận của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân. Trong đó, cơ chế phân bổ vốn đầu tư công là một nội dung quan trọng để bảo đảm tính công bằng, trọng tâm, trọng điểm và quyết định đến hiệu quả sử dụng nguồn lực.
“Đối với các cơ quan của Quốc hội, với thẩm quyền quyết định và giám sát về ngân sách nhà nước, về kế hoạch đầu tư công trung hạn từng giai đoạn, việc quyết định cơ chế phân bổ vốn đầu tư công và hoạt động giám sát tình hình phân bổ vốn đầu tư công là những nhiệm vụ quan trọng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết.
Theo TS. Hoàng Quang Hàm, đầu tư công là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng và quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công được tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo… đảm bảo an ninh, quốc phòng và là động lực thúc đẩy phát triển đối với một số ngành và vùng kinh tế trọng điểm.
Đầu tư từ nhà nước không chỉ nhằm thực hiện chính sách công mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đầu tư công không chỉ bao gồm các dự án đầu tư nhằm thực hiện các mục tiêu của chính sách công, không có khả năng thu hồi vốn, không vì mục tiêu kinh doanh mà còn bao gồm cả các dự án đầu tư vì mục tiêu kinh doanh.
“Với ý nghĩa quan trọng đó, chính sách phân bổ vốn đầu tư công cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và bảo đảm tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ”, TS. Hoàng Quang Hàm cho biết và khuyến nghị: “việc bố trí vốn phải phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công, phù hợp với khả năng tài chính; bảo đảm cân đối vĩ mô, giữ vững an toàn nợ công của quốc gia. Đồng thời, việc xem xét cơ cấu vốn đầu tư công cho các ngành nghề cần được chú trọng ưu tiên trong từng giai đoạn, từng thời kỳ;…”.
Ngoài ra, cần tập trung bố trí vốn cho các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa; Xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tưu công hợp lý; việc phân bổ phải đảm bảo tập trung, không dàn trải, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước;…
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, song nhận thức lý luận về đầu tư công vẫn còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu giải quyết trong nền kinh tế thị trường.
Các đại biểu cho rằng, cần rà soát loại bỏ những quy định pháp luật không chính xác về vốn đầu tư công, vốn đầu tư của Nhà nước trong tính toán chỉ tiêu vốn đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tưu phát triển toàn xã hội. Đồng thời, thống nhất nhận thức khái niệm “vốn đầu tư công” trên phạm vi toàn quốc và trên địa bàn địa phương, thay cho khái niệm “vốn đầu tư phát triển” do trung ương và địa phương quản lý để chỉ tiêu này có ý nghĩa hơn trong phân tích đánh giá chính sách đầu tư công của Nhà nước….