(thitruongtaichinhtiente.vn) - Số liệu được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc công bố tại buổi họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương, cho biết, đến ngày 30/6/2022, giá trị giải ngân đạt khoảng 22.689 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch giao (thấp so với bình quân cả nước khoảng 29,1% kế hoạch).
Toàn cảnh cuộc họp |
Chiều ngày 1/8, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Tham dự cuộc họp có 14 cơ quan, đơn vị (9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương). Đây là các cơ quan được giao đầu tư nhiều công trình dự án quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của ngành, địa phương và đất nước.
Còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chỉ đạt 17,1% kế hoạch
Tổng số vốn giao năm 2022 khoảng 132.326 tỷ đồng (gồm 21.155 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương gồm 13.454 tỷ đồng vốn trong nước và 7.701,45 tỷ đồng vốn nước ngoài và 111.171 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương), trong đó: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 6.438 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường 1.706 tỷ đồng; Bộ Công Thương 825 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 920 tỷ đồng; Hà Nội 51.583 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh 54.268 tỷ đồng...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến 30/6/2022, giá trị giải ngân đạt khoảng 22.689 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch giao (thấp so với bình quân cả nước khoảng 29,1% kế hoạch).
Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân, qua tổng hợp từ các bộ, ngành và địa phương được kiểm tra cho thấy quá trình áp dụng một số quy định còn lúng túng, vướng mắc, có thể kể đến như: công tác chuẩn bị đầu tư; áp dụng quy định về tách giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B và nhóm C; nhiều thủ tục phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành do dự án phải thực hiện theo nhiều quy định pháp luật; quy trình, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương khá dài (từ 1,5-2 năm) ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng; giá nguyên, nhiên liệu tăng, gây khó khăn cho đơn vị thi công, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai gói thầu, nhà thầu thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá từ Nhà nước…
Trong những khó khăn trên, ông Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: “Khó khăn vẫn là câu chuyện giải phóng mặt bằng mà lớn nhất là việc xác định nguồn gốc đất”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, vướng mắc chủ yếu vẫn là ở khâu triển khai dự án. Trong đó, khâu chuẩn bị dự án chưa tốt nên ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật của năm nay do các bộ, ngành, địa phương đề xuất ít hơn so với mọi năm, các vướng mắc chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, vướng mắc liên quan đến đánh giá tác động môi trường không nhiều. Liên quan đến đất đai, Thứ trưởng Kiên cho cho biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định sửa nhiều Nghị định để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ ban hành Luật Đất đai (sửa đổi).
Phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trong tháng 12/2022
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, thúc đẩy đầu tư và giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt tại các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: “kết quả giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương là chưa đạt yêu cầu (hơn 22% tính đến hết tháng 7/2022), còn thấp hơn bình quân chung cả nước (34,47% tính đến hết tháng 7)”.
Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu giải ngân toàn bộ trong tháng 12/2022.
Nhất trí với các ý kiến về nguyên nhân làm chậm giải ngân, Phó Thủ tướng cho rằng, các quy định pháp luật rất chặt chẽ, trong quá trình triển khai các bước đòi hỏi rất chuẩn xác. Bên cạnh đó, chuẩn bị dự án đầu tư chưa tốt cũng ảnh hưởng đến giải ngân.
Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành phải rất chú trọng từ khâu đầu tiên, từ đăng ký dự án đầu tư đến xây dựng đề án, phê duyệt chủ trương, lập dự án đầu tư... "Nếu không bảo đảm khâu này thì có vốn cũng không thực hiện được". Các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng công tác chuẩn bị hồ sơ, thẩm định, phê duyệt dự án.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát các dự án sử dụng nguồn vốn địa phương đã được phân bổ vốn nhưng không khả thi trong năm nay, kịp thời điều chuyển vốn sang các công trình khác để bảo đảm giải ngân, hiệu quả đầu tư.
Đối với nguồn vốn Trung ương đã được phân bổ, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho điều chỉnh danh mục các dự án trong nội bộ địa phương hoặc sang các địa phương khác. Nếu không thể thực hiện được, cần tổng hợp để điều chuyển kịp thời.
Liên quan đến hồ sơ thanh quyết toán, các địa phương cần sát sao hơn, đi kiểm tra tình hình thực tế, làm việc chặt chẽ với các nhà thầu, bảo đảm tiến độ thanh quyết toán cho nhà thầu.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng cho rằng, nhiều địa phương phản ánh vướng mắc trong lĩnh vực này. Trong tình hình hiện nay, quy định pháp luật đòi hỏi quản lý rất chặt chẽ, vai trò của các bộ, ngành Trung ương là rất lớn trong việc hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát, trình cấp có thẩm quyền xử lý các tồn tại, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.