Dòng chảy và những câu chuyện về luật kinh doanh năm 2018: Bức tranh sáng tối

TS. Vũ Tiến Lộc| 04/02/2019 14:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Qua theo dõi và các kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) từ nhiều góc độ khác nhau, cho thấy, tinh thần gỡ bỏ rào cản, tạo thuận lợi tối đa cho DN, đặc biệt là các DN tư nhân được lan tỏa mạnh mẽ trong các cuộc thảo luận chính sách, cũng như trong các dự thảo văn bản được ban hành là điểm nổi bật trong bức tranh pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2018.

Ngày nhận bài: 15/1/2019 - Ngày biên tập: 16/1/2019 - Ngày duyệt đăng: 16/1/2019

Tóm tắt: Các phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đã được chuyển hoá thành gần 30 nghị định trong nhiều lĩnh vực. Các bộ, ngành cũng đẩy mạnh ban hành các thông tư bãi bỏ và cắt giảm công tác kiểm tra chuyên ngành. Cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh khi nhiều văn bản giảm về thành phần hồ sơ, thời gian làm thủ tục hoặc đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Mặc dù vậy, bức tranh này không phải chỉ toàn các mảng sáng. Trong từng ngành, từng lĩnh vực vẫn có trường hợp các quan điểm, định hướng thể hiện trong tờ trình thì theo hướng tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nhưng quy định cụ thể được đề xuất thì dường như ngược lại... Bài viết đưa ra góc nhìn tổng quát về những mặt tích cực, đồng thời nêu lên những thách thức đang tồn tại, mong rằng qua đó gợi mở, góp phần hoàn thiện hơn công tác xây dựng thể chế kinh tế thời gian tới.

Từ khóa: hệ thống kinh tế, luật kinh doanh, điều kiện kinh doanh và đầu tư

Movements and stories of Business Law 2018: Bright & dark side of picture

Abstract: Through supervisory activity and business survey results from different perspectives, it is seen that the removal of barriers, maximum facilitating benefits for enterprises, especially private enterprises is strongly spreading out in policy talks, as well as legal document drafts to be issued – it is outstanding point in the legal business picture in Vietnam in 2018.

Plan to cut business & investment conditions has been transformed into nearly 30 decrees in many sectors. Ministries, sectors also pushed up the issuance of circulars in which many specialized examination was reduced or removed. Administrative procedures reform was enhanced with the reduction of record component, proceeding time or changing from pre check to post check. However, this picture is not all bright side. In each sector, each field, there are cases that opinions, directions shown in the proposal facilitating business environment, but specific regulation recommended seems to be in contrary… The article provides general view on positive aspects, challenges in existence with the hope that to further improve the economic system construction in the coming time.

Key words: economic system, business law, business & investment condition

Một số đánh giá chung

Năm 2018 là một năm chứng kiến nền kinh tế Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, nhiều vấn đề mới nảy sinh và cũng cho thấy nhiều thách thức trong hoạch định chính sách của các nhà quản lý.

- Những con số về phát triển kinh tế ấn tượng: Mức tăng trưởng GDP đạt 7,08% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua; Cán cân thương mại tiếp tục thặng dự, xuất siêu lập kỷ lục (hơn 6,89 tỷ USD), cao nhất trong 10 năm qua; Hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%...;

Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy những chính sách, chỉ đạo đúng đắn và phát huy hiệu quả của Chính phủ thời gian qua, cũng cho thấy thách thức trong thời gian để giữ vững và đạt được thành tích tốt hơn;

- Quốc hội phê chuyển Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, báo hiệu sẽ có những chuyển biến về chính sách trong thời gian tới. Cộng đồng kinh doanh sẽ có những cơ hội cũng như thách thức khi Hiệp định này bắt đầu phát sinh hiệu lực ở nước ta, nhất là khi các cam kết bắt đầu được nội luật hóa;

- Thế giới cũng như Việt Nam chứng kiến sự phát triển công nghệ mạnh mẽ ở kỷ nguyên số hóa, kéo theo đó là những thay đổi trong phương thức kinh doanh trong nền kinh tế (ví dụ: xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới trong các lĩnh vực vận tải; phát thanh truyền hình; lưu trú du lịch…). Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý, nhất là khi chúng ta vẫn còn áp dụng tư duy cũ để quản lý các hoạt động kinh doanh hiện tại. Chính sách sẽ là động lực hay rào cản cho các hoạt động kinh doanh trong thời đại này phụ thuộc rất lớn vào tư duy chính sách của các nhà quản lý hiện tại.

Năm 2018 được coi là năm cải cách thể chế với những nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành - hai điểm nghẽn lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và lưu thông thương mại qua biên giới, và cũng là hai rào cản lớn nhất cho phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập – với tư cách là những động lực quan trọng hàng đầu của công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam. 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hóa hoặc dỡ bỏ đã giải phóng doanh nghiệp khỏi hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh.

Những con số ấn tượng về thành tựu kinh tế năm 2018 và dự cảm tốt đẹp cho năm 2019 là những chỉ báo quan trọng của niềm tin, và chúng ta có chung một cảm nhận là một giai đoạn mới của cải cách đang bắt đầu. Sự cộng hưởng của công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, cải cách thể chế, các nỗ lực hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong kỷ nguyên số đang mở ra những triển vọng tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, bức tranh về pháp luật kinh doanh năm 2018 cũng vẫn còn những điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm và chưa thực chất. Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng gập ghềnh trong tư duy quản lý của các bộ, ngành. Các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, bảo đảm thực thi hợp đồng, tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp. Đích đến của một môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi vẫn còn xa.

Sự chồng chéo thiếu nhất quán của hệ thống pháp luật nhiều khi đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào tình thế khó. Việc tổng rà xét các quy định pháp luật về kinh doanh để có thể ban hành các văn bản một luật sửa nhiều luật, để tạo sự nhất quán trong hệ thống pháp luật về kinh doanh là rất cần thiết.

Những chuyển động tích cực của chính sách trong năm 2018

Trong mấy năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Năm 2018 cũng đánh dấu những bước chuyển động mạnh mẽ và ấn tượng về các chính sách nhằm cải thiện về môi trường kinh doanh:

Từ những chỉ đạo

Ngay từ đầu năm Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ví dụ: Ngay từ đầu năm Nghị quyết 01/NQ-CP đã yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính…; Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2018 tiếp tục đặt ra yêu cầu về cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành thực chất danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Nghị quyết 01, các mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Đến những giám sát và thúc đẩy hành động

Để thúc đẩy hoàn thành những mục tiêu đặt ra, Chính phủ đã có những hành động quyết liệt:

+ Hoạt động rà soát điều kiện kinh doanh của các bộ: Đầu năm 2018, các bộ đã tiến hành rà soát, lập các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và chủ trì soạn thảo ban hành các Nghị định để hiện thực hóa phương án cắt giảm. Theo thống kê thì tổng số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm đều vượt quá 50%. Điều này cho thấy nỗ lực và quyết tâm lớn từ phía các cơ quan quản lý. Môi trường kinh doanh sẽ trở nên thuận lợi hơn.

+ Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính của các bộ: Bên cạnh hành động về cắt giảm điều kiện kinh doanh thì các hoạt động cải cách thủ tục hành chính cũng được thúc đẩy. Tương ứng với các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản thì các thủ tục hành chính cũng được đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các bộ đã có những nỗ lực lớn trong cải thiện từ phương thức thực hiện thủ tục (thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tạo cơ chế một cửa, chỉ cần đến nộp hồ sơ và nhận hồ sơ ở một nơi) đến đơn giản hóa các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ (nhiều bộ đã sửa đổi những văn bản về hồ sơ thủ tục hành chính theo hướng giảm thiểu hồ sơ, hoặc tính chất của hồ sơ) hay thay đổi hẳn về tư duy quản lý (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số thủ tục hành chính - từ trước đến nay tưởng như khó thay đổi được, ví dụ như trong lĩnh vực quản lý về an toàn thực phẩm) dẫn tới những chuyển biến về thủ tục hành chính…

+ Cải cách về thủ tục chuyên ngành cũng có những bước chuyển đáng ghi nhận: ví dụ như thu hẹp danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành; tạo cơ chế để tư nhân có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa; kết nối thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia…

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với từng bộ, địa phương để giám sát cũng như thúc đẩy các hoạt động cải cách về chính sách cũng như thực thi.

Có thể cho rằng, năm 2018 vừa qua là một năm mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những chuyển mình rất tích cực, có những bước đột phá về tư duy quản lý và môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta cũng thuận lợi lên một cách đáng kể.

Thách thức đang tồn tại

Trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, những chuyển động về chính sách của năm 2018 vừa qua vẫn cho thấy thách thức:

- Tính thực chất của các hoạt động cải cách

Đây là câu hỏi đặt ra khi nhìn vào các hoạt động rà soát về điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành diễn ra thời gian qua. Mặc dù có những động thái tích cực từ phía cơ quan nhà nước, nhưng chất lượng cũng như hiệu quả của các hoạt động này vẫn đưa đến nhiều băn khoăn từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ:

+ Về cắt giảm điều kiện kinh doanh: Mặc dù tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa khá cao, trên 50% nhưng chúng ta vẫn thấy không ít tính hình thức, đối phó trong đó. Ví dụ: có nhiều đề xuất chỉ mang tính sửa sang câu chữ (yêu cầu phương án kinh doanh từ có 4 nội dung còn 2 nội dung); nhiều điều kiện kinh doanh vướng nhưng vẫn chưa được xem xét để bãi bỏ trong đợt rà soát này…;

+ Doanh nghiệp tham gia vào hoạt động rà soát này còn có nhiều hạn chế, phụ thuộc nhiều vào sự thiện chí của các cơ quan chủ trì soạn thảo, chính vì vậy, nhiều điều chỉnh, sửa đổi về điều kiện kinh doanh vẫn chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của cộng đồng kinh doanh;

+ Trong những văn bản được ban hành trong năm 2018 vẫn có rất nhiều quy định về thủ tục hành chính bất cập, không có tính cải cách (thiếu minh bạch, thời gian thủ tục kéo dài, phương thức thực hiện vẫn là truyền thống);

+ Việc kết nối thủ tục trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia còn chậm (tính đến tháng 9/2018 mới chỉ có 68 thủ tục có thể thực hiện được trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 284 thủ tục. Tuy nhiên trong 68 thủ tục này, chỉ có duy nhất một thủ tục là thực hiện điện tử hoàn toàn, các thủ tục khác thì dù doanh nghiệp có nộp hồ sơ điện tử thì vẫn phải nộp thêm một bản giấy (1))…;

+ Việc mở cửa cho tư nhân tham gia vào hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa được thực hiện một cách đồng bộ giữa các ngành, Nhà nước vẫn giữ độc quyền kiểm tra đối với một số loại sản phẩm hàng hóa - mà có thể trao quyền cho tư nhân thực hiện được;

+ Ngay cả khi đã chỉ định cho tư nhân tham gia vào hoạt động này thì cơ chế chỉ định vẫn còn nhiều vấn đề (chưa tạo ra cơ chế bình đẳng, việc chỉ định dễ tạo ra cơ chế độc quyền cho một số doanh nghiệp);

+ Việc rà soát cắt giảm về Danh mục hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành còn chưa đồng bộ do thiếu một tiêu chí thống nhất trong việc rà soát để loại bỏ/giữ lại các loại hàng hóa này.

- Tư duy quản lý vẫn đặt ra nhiều điều quan ngại

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số. Với thế giới phẳng như hiện nay thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối diện với làn sóng phát triển công nghệ, trong đó sẽ xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, rất khác với phương thức truyền thống đang diễn ra.

Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những phương thức kinh doanh này bắt đầu xâm lấn vào nền kinh tế, ví dụ: kết nối công nghệ trong dịch vụ vận tải, lưu trú du lịch; các dịch vụ cung cấp nghe nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình trên internet; dịch vụ quảng cáo thông qua các mạng xã hội…. Chính điều này, khiến chúng ta nhìn lại các chính sách quản lý hiện tại và quan sát cách hành xử của cơ quan quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới này.

Việc chính sách đi sau sự phát triển kinh tế là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách hành xử của các cơ quan quản lý như thế nào với những phương thức kinh doanh chưa có cơ chế chính sách quản lý mới là điều quan trọng. Nó có thể là động lực để thúc đẩy, cũng có thể là rào cản đối với các hoạt động kinh doanh (cả cũ lẫn mới) phát triển. Thực tế, thời gian qua, cách hành xử của các nhà quản lý trong một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra hướng đi phù hợp, và có nguy cơ trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế. Đây sẽ trở thành sự thách thức trong kỷ nguyên này.

KẾT LUẬN

Một năm 2018 đã qua đi với những dấu ấn đậm nét về sự phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với nó là các chuyển động chính sách với hàng loạt chính sách pháp luật quan trọng ra đời trong thời gian qua.

Trong một Hội thảo mà VCCI từng tổ chức trong năm 2018, một nhà khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực công nghệ đã từng chua chát phát biểu về những rào cản về điều kiện, giấy phép mà doanh nghiệp phải trải qua để đưa sản phẩm của mình vào thị trường. Đến giờ vẫn chưa thể có hết giấy phép vì không thể đáp ứng nổi các điều kiện. Cuối cùng, đành ngậm ngùi, chắc doanh nhân phải sang Singapore để thành lập doanh nghiệp.

Từ câu chuyện không của riêng ai cho thấy rằng, mặc dù năm 2018, chúng ta đã có những chuyển động chính sách rất tích cực, thể hiện những nỗ lực vượt bậc của cơ quan quản lý nhà nước trong cải thiện môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về điều đó. Nhưng, trong những chính sách hiện tại, đặc biệt về tư duy quản lý đối với những phương thức kinh doanh mới, vẫn có rất nhiều rào cản.

Thông qua việc nhìn lại những chuyển động chính sách trong năm vừa qua, bên cạnh việc ghi nhận và hoan nghênh những động thái tích cực từ cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp đặt ra các kỳ vọng về các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới: Các rào cản về môi trường kinh doanh phí lý tiếp tục được dỡ bỏ; Các hoạt động cải cách về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy một cách thực chất hơn. Nhất là khi, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết có tính chất “xương sống” trong năm 2019 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh trong năm được xem là “bản lề” nàyu

Chú thích:

1.Trang 30 Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 15/1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018.

Đây là sáng kiến của VCCI, được bắt đầu từ năm 2018, nhằm ghi lại bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam và báo cáo lần này tập trung vào các quy định pháp luật về kinh doanh được ban hành ở cấp trung ương trong năm 2018.

Trong năm 2018, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 16 luật và 18 nghị quyết của Quốc hội, 1 pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 169 nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 590 thông tư của các bộ và 47 văn bản khác, chưa bao gồm các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do thiếu thông tin thống kê.

Một số thông tư Ngân hàng Nhà nước ban hành trong năm 2018 có sự tham gia góp ý của VCCI được nêu trong báo cáo gồm:

 - Thông tư 10/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tài chính vi mô.

 - Thông tư 26/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về điều tra thống kê tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

 - Thông tư 29/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

(Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 - VCCI)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy và những câu chuyện về luật kinh doanh năm 2018: Bức tranh sáng tối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO