(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 14/12, tại Hà Nội, Báo Xây dựng tổ chức Hội thảo: “Động lực Phát triển kinh tế Việt Nam 2023”. Tại Diễn đàn này, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý đã phân tích bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 và nêu ra các giải pháp, chỉ ra các động lực phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo |
Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xây dựng là lĩnh vực quan trọng, mang tính chiến lược, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là một trong những nhân tố quan trọng quyết định quy mô, trình độ kỹ thuật với nền kinh tế. Trong thời gian qua, giá trị sản xuất ngành Xây dựng luôn có mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Ngành Xây dựng cũng đã tham gia đóng góp các chương trình vào tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu đầu tư công, tham gia vào 3 đột phá của nền kinh tế như đột phá về cơ sở hạ tầng.
“Bộ Xây dựng nỗ lực thực thi nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, cơ sở hạ tầng đô thị bước đầu đáp ứng nhu cầu sử dụng người dân, chất lượng hạ tầng đô thị được cải thiện. Thị trường bất động sản có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và năng lực của các chủ thể tham gia thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá xây dựng được rà soát, hoàn thiện”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.
Đề cập thêm về bối cảnh hiện tại, ông Lê Viết Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cho biết, sau 2 năm đại dịch, kết hợp thêm những khó khăn khi xung đột tại Đông Âu diễn ra, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và chịu tác động dây chuyền. Không có doanh nghiệp nào có thể gánh chịu, bởi các khoản vay chỉ có hạn 3 - 5 năm phải trả, trong khi biến cố bất ngờ dẫn đến cơ chế thị trường không thể lường trước. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, cần sự hỗ trợ của Chính phủ để quay trở lại guồng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
“Đây không chỉ là sự điều chỉnh theo “cơ chế thị trường” mà phải dựa vào điều chỉnh theo “cơ chế tự động”. Để giải quyết được vấn đề, cần sự hỗ trợ của Nhà nước, giải quyết để đổi mới bộ mặt đô thị Việt Nam, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, vấn đề về kinh tế...”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, tổng sản lượng ngành xây dựng đã đóng góp là 1.938 nghìn tỷ đồng (tương đương 82 tỷ USD), đóng góp tốt vào tổng sản lượng quốc gia. Điều đó chứng minh, ngành xây dựng có tỷ trọng lớn đóng góp cho nền kinh tế. Nếu ngành xây dựng phát triển thì sẽ đem đến nhiều lợi ích cho nhiều ngành khác nhau, nếu không có ngành xây dựng hay ngành xây dựng sụt giảm, cũng sẽ kéo theo hàng loạt tác động xấu đến hệ sinh thái nói chung.
Thực tế, với tình cảnh ế ẩm, nhiều doanh nghiệp bất động sản, sàn môi giới đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ tết sớm và chưa có kế hoạch trở lại. Mới đây, Công ty Bất động sản Đất Xanh miền Bắc đã có thông báo về việc cho nhân viên nghỉ tết sớm kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 12/12/2022 đến ngày 5/2/2023. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ mà khá phổ biến trên thị trường.
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh. Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, các kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân; tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, trong nước; dự báo tình hình, các yếu tố tác động, xu hướng phát triển thị trường; xác định mục tiêu, yêu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp như tập trung ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; lấy ngân sách là hạt nhân, tạo sức hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt là cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn). Các địa phương cần sử dụng nguồn lực tạo ra từ quá trình phát triển đô thị để quay lại đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho quá trình phát triển bền vững của đô thị.
|
Được biết, Chính phủ đang có động thái thực hiện các chính sách hỗ trợ thị trường. Trong đó, về câu chuyện nguồn vốn và diễn biến tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngày 13/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1163/CĐ-TTg về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính: Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023; chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ.
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ và theo đúng quy định pháp luật.