Ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, đến cuối tháng 7/2024, dư nợ cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 65,8 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,8% tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trong tỉnh, nhưng giảm gần 3,1% so với đầu năm 2024.
Ông Tạ Thanh Long, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết, đơn vị tiếp tục chỉ đạo triển khai một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các tổ chức tín dụng thuộc hệ thống các ngân hàng cam kết tham gia chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng về cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chủ động, tích cực đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện giải ngân đối với gói vay này. Đồng thời, tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với các đối tượng phù hợp, hợp pháp và có nhu cầu vay từ gói vay 120 nghìn tỷ đồng.
Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, doanh số cho vay đối với lĩnh vực kinh tế tập thể tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 100,46 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với khu vực kinh tế tập thể đến cuối tháng 6/2024 đạt khoảng 141,63 tỷ đồng, trong đó 2/3 là cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hiện chính quyền địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại địa phương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, tỉnh này yêu cầu các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tập huấn, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thủ tục đất đai, xúc tiến thương mại,… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể.
Song song đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể của khu vực kinh tế tập thể tiếp cận được vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có trên 27,4 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn chính sách với số tiền trên 1,1 nghìn tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số khách hàng đang vay tín dụng chính sách lên gần 127 nghìn trường hợp với trên 5,4 nghìn tỷ đồng. 99,9% số tiền cho vay này được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên. Đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 93% chỉ tiêu cho vay của năm 2024.
Đáng chú ý, hiện nợ quá hạn và nợ khoanh của tỉnh chiếm 0,21% thấp hơn mức bình quân cả nước (0,6%) song cần tiếp tục kéo giảm. Nguyên nhân được xác định là do có những món vay tồn tại nhiều năm trước nhưng chưa giải quyết do người vay đang thi hành án phạt tù, gia đình đã bỏ đi khỏi nơi cư trú… đã làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách chung của toàn tỉnh.
Từ thực tế này, thời gian tới, NHCSXH chi nhánh Đồng Nai và các tổ chức chính trị - xã hội nhận vốn ủy thác sẽ đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng tính dụng chính sách, trong đó sẽ tập trung vào việc thực hiện kỹ quá trình bình xét cho vay; củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn; phân loại các trường hợp nợ quá hạn và nợ khoanh để có hướng giải quyết cụ thể và dứt khoát đối với từng trường hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nắm rõ các chương trình cho vay tín dụng chính sách; tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính sách thuận lợi, đúng quy định…
Song song với đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán và các hệ thống thông tin ứng dụng.
Ông Long cho biết, thời gian tới ngành Ngân hàng trên địa bàn tập trung thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; triển khai các gói tín dụng đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nỗ lực tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, trong đó thực hiện kế hoạch triển khai ứng dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hệ số tín nhiệm và niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào cơ chế, chính sách và hoạt động của ngành Ngân hàng.