Sau nhịp tăng điểm đầu phiên, tâm lý thận trọng khiến thị trường chung giao dịch ảm đảm trong phiên hôm nay (ngày 15/7). Đến cuối phiên, VN-Index ghi nhận rung lắc do áp lực bán ở phiên chiều nhưng vẫn giữ được sự vận động quanh mốc 1.280 điểm. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.000 tỷ đồng.
VN-Index bắt đầu tuần mới trong sắc xanh tăng điểm nhẹ nhưng xung lực tương đối yếu do thiếu sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số chung tạo đỉnh ngay trong một giờ giao dịch đầu tiên, sau đó có diễn biến lình xình đến hết phiên.
Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều khiến VN-Index có nhịp trồi sụt quanh mốc tham chiếu. Mặc dù sắc đỏ có xu hướng lan tỏa rộng hơn nhưng biên độ giảm không quá lớn nên thị trường phần nào vẫn duy trì được cân bằng quanh mốc 1.280 điểm.
Thanh khoản trong phiên duy trì ở mức thấp cho thấy sự chần chừ của cả bên mua và bên bán. Tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn phiên hôm nay đạt gần 16.550 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại vẫn "xả" mạnh với thêm một phiên bán ròng đột biến với giá trị 1.914 tỷ đồng trên toàn thị trường, chủ yếu bán HDB, STB, SAB.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, HOSE có 167 mã tăng và 262 mã giảm, VN-Index giảm 0,93 điểm (-0,07%), xuống 1.279,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 573,5 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 14.235 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 99 triệu đơn vị, giá trị đạt 2.930 tỷ đồng.
Sàn HNX có 79 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,07%), xuống 244,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.319 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng và giảm 17% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10 triệu đơn vị, giá trị đạt 424,75 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 147 mã tăng và 128 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,22%), xuống 97,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47 triệu đơn vị, giá trị đạt 994 tỷ đồng, giảm 32% về khối lượng và giảm 3,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 289 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai tiếp tục phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp khi áp lực bán ở thị trường cơ sơ chưa chấm dứt. Sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên, các hợp đồng tương lai đã điều chỉnh giảm trở lại từ 11h, xuống mức thấp nhất 1.293 điểm rồi dần hồi phục trở lại về cuối phiên. Kết phiên, VN30F2407 đóng cửa với mức giảm 1 điểm.
Với diễn biến thị trường vẫn có xác suất xuất hiện những nhịp điều chỉnh rung lắc biên độ nhỏ trong phiên, CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng thời điểm phù hợp để giải ngân thêm ở mức giá chiết khấu đối với những cổ phiếu có nền tảng hỗ trợ vững với lực cầu ổn định, vận động tích lũy tốt quanh đường MA20 thuộc một số nhóm ngành như hóa chất, xăng dầu, điện.
Nhận định về chiến lược đầu tư tuần tới, CTCK VNDIRECT cho rằng, sau số liệu lạm phát tích cực, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, trong khi chỉ số sức mạnh đồng dollar (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đều lao dốc. Diễn biến này sẽ có tác động tích cực tới cân đối vĩ mô trong nước, theo đó, tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm nhẹ trong những ngày gần đây, giúp gỡ dần nút thắt lớn đối với thị trường thời gian qua là vấn đề tỷ giá.
“Điều này sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường trong những tuần giao dịch tới. Đồng thời, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn. Do đó, nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường về vùng 1.260-1.270 điểm sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với giá vốn hấp dẫn hơn, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu”, chuyên gia VNDIRECT cho biết.