(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Đa số nhà phân tích cho rằng những lo ngại gần đây về việc đồng đô la có thể đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới đang bị thổi phồng quá mức.
USD trượt dài, mất sức hấp dẫn
Hồi tháng 3, đồng đô la Mỹ đã được hưởng lợi rất nhiều khi các nhà đầu tư tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" trong bối cảnh đại dịch bao trùm lên khắp thế giới, đưa đồng tiền này lên mức cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây.
Tuy nhiên giờ đây, khi chưa có gì đảm bảo chắc chắn cho sự phục hồi kinh tế của nước Mỹ, thâm hụt gia tăng và triển vọng về lãi suất sẽ tiếp tục được giữ ở mức thấp trong một thời gian dài, đồng bạc xanh đã tạm mất đi sức hấp dẫn.
Trong tuần trước, chỉ số đô la Mỹ đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 27 tháng, xuống còn 92,477 - giảm mạnh so với mức 102 hồi tháng 3.
Theo Patrik Schowitz của JPMorgan Asset Management, hoạt động kinh tế vượt trội của Mỹ so với khu vực đồng Euro và Nhật Bản dường như không còn là một sự đảm bảo nữa, ít nhất là trong vài năm tới, do khả năng phản ứng chậm chạp của nước này trước đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ Euro mới của Liên minh châu Âu đang mang lại cho các nhà đầu tư niềm tin vào đồng Euro như một giải pháp thay thế.
Ông Schowitz nói thêm: "Việc thu hẹp lợi thế lãi suất khiến USD kém hấp dẫn hơn và thúc đẩy các nhà đầu tư cân nhắc gửi tiền bằng các loại tiền tệ khác. Những yếu tố mang tính chu kỳ này sẽ không quay đầu lại một cách vội vàng và đồng đô la Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục giảm thêm."
Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới - BlackRock cũng nhận định rằng đồng đô la vẫn sẽ còn tiếp tục suy yếu trong thời gian tới, vì các yếu tố dẫn đến sự suy giảm gần đây của đồng tiền này vẫn còn hiện hữu. "Triển vọng về việc đồng đô la sẽ tiếp tục duy trì trạng thái trú ẩn an toàn được cho là một mối quan tâm khác, cũng như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang gây tranh cãi vậy."
Nói đồng USD sụp đổ là "phóng đại quá mức"
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tỷ trọng đồng đô la trong tổng dự trữ toàn cầu đã giảm từ 64,7% trong quý đầu tiên của năm 2017 xuống còn khoảng 62% trong quý đầu tiên của năm 2020. Trong quý cuối cùng của năm 2019, đồng bạc xanh đóng góp khoảng 60,9% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu - mức thấp nhất trong vài năm qua. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích đều cho rằng những lo ngại gần đây về việc đồng đô la có thể đánh mất vị thế đồng tiền dự trữ của thế giới đang bị thổi phồng quá mức.
Nhà kinh tế học cao cấp của công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics - Jonas Goltermann nói rằng nguyên nhân cho sự sụt giảm của chỉ số đô la Mỹ kể từ tháng 3 có thể không phải nằm ở tình trạng dự trữ của đồng tiền này, mà đó là do lãi suất thấp và các gói kích thích kinh tế khổng lồ của Liên minh châu Âu đã tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với đồng Euro. Kể từ tháng 6, đồng bạc xanh đã mất khoảng 6,6% so với đồng Euro.
Theo Goltermann, trên thực tế, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã "củng cố" vai trò của đồng đô la như một đồng tiền quan trọng trên toàn cầu. Đồng bạc xanh đã tăng mạnh bởi nhu cầu trú ẩn an toàn tăng vọt vào tháng 3 khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, châu Âu và các nơi khác. Goltermann cũng cho biết thêm rằng nền tảng chính trị vẫn còn mỏng manh của đồng Euro và hệ thống kiểm soát chặt chẽ của đồng Nhân dân tệ khiến hai đồng tiền này vẫn tồn tại những thiếu sót đáng kể để trở thành đồng tiền dự trữ thế giới.
Sven Schubert, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Vontobel Asset Management, cũng chỉ ra rằng đồng Nhân dân tệ và đồng Euro là hai lựa chọn thay thế khả thi nhất trong những thập kỷ tới. Nhưng cả hai đều chưa phải là "đối thủ nặng ký" đối với USD. Khoảng 50% hợp đồng thương mại toàn cầu vẫn được tính bằng đồng đô la Mỹ, mặc dù quốc gia này chỉ đóng góp khoảng 12% trong số đó. "Các ngân hàng trung ương thích dự trữ phần lớn bằng USD, các mặt hàng chủ chốt trên thế giới được giao dịch bằng USD và hầu hết các hợp đồng thương mại toàn cầu vẫn được định giá bằng USD và EUR", Schubert nói.