Đồng Yên Nhật giảm giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng đô la Mỹ

V.A| 02/09/2022 18:52
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1998,  1 đồng đô la Mỹ (USD) có giá trị hơn 140 yên Nhật trong các giao dịch buổi chiều ngày 1/9 ở châu Âu do đồng bạc xanh cũng mạnh lên so với các đồng tiền khác.

Trong khi điều này làm cho hàng hóa nhập khẩu đắt hơn ở Nhật Bản, đồng Yên yếu hơn cũng có thể tăng lợi nhuận cho các công ty Nhật Bản bán sản phẩm ở nước ngoài, bao gồm các công ty lớn như Toyota và Nintendo.

Đồng Yên liên tục giảm so với đồng đô la từ khoảng 115 trong tháng 3, khiến các nhà phân tích chỉ ra khả năng chính phủ can thiệp.

Nhà đầu tư kỳ cựu Jeremy Grantham đã cảnh báo về một “chương kết bất hủ” đối với thị trường chứng khoán bị thổi phồng bởi tiền rẻ trong nhiều năm.

Grantham nói với hãng tin Reuters: “Cả thế giới hiện đang tập trung vào những tác động làm giảm tăng trưởng do lạm phát, tỷ giá và các vấn đề thời chiến như thắt chặt năng lượng”.

Thêm vào đó là COVID-19 ở Trung Quốc, các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng, nhân khẩu học và biến đổi khí hậu và “triển vọng còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì có thể thấy trước”, ông nói thêm.

Tác động của chiến sự Ukraine

Sự sụt giảm mạnh của đồng Yên chủ yếu được thúc đẩy bởi các cách tiếp cận khác nhau của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (nới lỏng chính sách tiền tệ) và các ngân hàng trung ương khác bao gồm Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (thắt chặt chính sách tiền tệ), đã tăng lãi suất nhằm giải quyết lạm phát tăng cao, lại được thổi bùng lên bởi xung đột Nga - Ukraine.

David Forrester, chiến lược gia FX cấp cao tại Credit Agricole CIB ở Hồng Kông, cho biết việc vượt ngưỡng 140 Yên /USD đánh dấu một “ngưỡng kỹ thuật quan trọng”.

Ông nói với hãng tin AFP: “Trước đây, nếu nhìn vào thời điểm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) can thiệp để mua đồng Yên, thì thường là ở mức xung quanh các mức này".

Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã nhấn mạnh lại về tầm quan trọng của sự ổn định trên thị trường ngoại hối, ông nói rằng “những thay đổi nhanh chóng là điều không mong muốn”.

Nhưng ông không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp đặc biệt, như Bộ Tài chính chỉ thị cho BoJ mua đồng Yên so với các loại tiền tệ khác để nâng cao giá trị của đồng Yên.

Với sự biến động ngày càng gia tăng, “chính phủ có kế hoạch theo dõi xu hướng của thị trường ngoại hối một cách cẩn thận với tinh thần cấp bách cao độ”, Matsuno nói với các phóng viên.

Chính phủ sẽ can thiệp?

Tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã tuyên bố cam kết tăng lãi suất tích cực, loại bỏ hy vọng FED có thể làm dịu lập trường của mình để tránh suy giảm kinh tế.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách tại BoJ đã từ chối từ bỏ các biện pháp “tiền rẻ” vốn được áp dụng cách đây một thập kỷ, nhằm mục đích tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và duy trì mức tăng giá khoảng 2%.

Ngoài ra, "giá năng lượng cao hơn trong suốt cả năm đã là gánh nặng đối với cán cân thương mại và cán cân vãng lai của Nhật Bản ... nhưng điều đó đã giảm bớt một chút gần đây", Forrester nói.

Lạm phát ở Nhật Bản đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua và giá các mặt hàng không bao gồm sản phẩm tươi sống đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái - nhưng BoJ coi mức tăng này là tạm thời và cho biết họ cam kết với chính sách hiện tại của mình.

“Lạm phát ở Nhật Bản không chỉ tăng nhanh mà còn mở rộng ra ngoài lạm phát giá thực phẩm và năng lượng”, điều này bắt đầu cho thấy “có lẽ BoJ phải thay đổi lập trường một chút”, Forrester nói.

“Nếu họ ngoan cố thì Bộ Tài chính có thể phải can thiệp, để giảm lạm phát nhập khẩu do đồng Yên yếu hơn”, ông nói thêm.

Theo News Agencies
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Yên Nhật giảm giá xuống mức thấp nhất trong 24 năm so với đồng đô la Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO