(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sản lượng đường tại một số quốc gia xuất khẩu đường lớn sụt giảm mạnh cùng với các chính sách chống bán phá giá với đường Thái Lan là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa gia tăng biên lợi nhuận. Các cổ phiếu ngành đường có nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và dài hạn.
|
Dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và COVID-19, sản lượng đường tại một số quốc gia xuất khẩu đường lớn trên thế giới như Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh gây ra thâm hụt đường trên toàn cầu. Đây là 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới niên vụ 2020/2021 khi lần lượt chiếm 50% và 11% sản lượng đường xuất khẩu.
Xu thế này được dự báo sẽ tiếp diễn trong niên vụ tới và giá đường toàn cầu đang trong đà tăng mạnh mẽ. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), niên vụ 2021/2022, sản lượng mía đường Thái Lan hồi phục mạnh so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xuất khẩu đường sẽ đạt mức 10 triệu tấn, tăng từ mức thấp kỷ lục 4 triệu tấn ở niên vụ 2020/2021. Tuy nhiên, sản lượng mía đường ở Brazil tiếp tục sụt giảm 10% so với niên vụ 2020/2021 do thời tiết khô hạn, lượng mưa dưới mức trung bình và tình trạng sương giá, sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm hơn 6 triệu tấn so với niên vụ trước. Bên cạnh đó là sản lượng dự trữ đường trên thế giới tiếp tục đường dự báo giảm trong niên vụ tới, về mức 43,9 triệu tấn. Tổ chức Đường Quốc tế ISO dự báo sản lượng đường thế giới sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, qua đó dự báo giá đường vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, ngành đường trong nước được hưởng lợi nhờ chính sách bảo hộ áp dụng lên đường Thái Lan nhập khẩu, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng trở lại vùng trồng, cũng như cải thiện biên lợi nhuận khi giá đường trong nước tăng.
Cụ thể, theo Quyết định 1578/QĐ-BCT, mức thuế áp dụng cho các sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan gồm có thuế chống bán phá giá (CBPG) 42,99% và thuế chống trợ cấp (CTC) 4,65% trong vòng 5 năm có hiệu lực kể từ ngày 16/6/2021. Với tổng mức thuế lên tới 47,64% các doanh nghiệp sản xuất mía đường Việt Nam giảm bớt sự cạnh tranh với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan khi trước đó phải đối diện với rất nhiều khó khăn từ đường nhập khẩu khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bắt đầu có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam VSSA, sản lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế, chỉ đạt 6,1 nghìn tấn trong tháng 8, giảm 93% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong hơn 2 năm gần đây. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đạt 356,1 nghìn tấn, giảm 62% so với cùng kỳ 2020
Tuy nhiên, các tháng gần đây sản lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước ASEAN vốn không đủ năng lực xuất khẩu đường tăng đột biến so với giai đoạn trước đó. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco) đây khả năng là một động thái né thuế của đường Thái Lan, khi các nước nhập khẩu đường Thái Lan không để tiêu dùng trong nước mà đưa sang Việt Nam. Bên cạnh đó là đường nhập lậu qua biên giới với khối lượng lớn vẫn vào Việt Nam bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp và kiểm soát chặt chẽ biên giới
Các năm trước, giá đường xuống thấp và ngành đường nội địa không cạnh tranh được với đường giá rẻ nhập lậu cũng như đường Thái Lan sau khi hiệp định ATIGA được ký kết làm cho diện tích và sản lượng liên tục sụt giảm. Niên vụ 2021/2022, dự kiến vùng trồng giảm nhẹ so với niên vụ trước do thời điểm hiện tại không còn nhiều giống cũng như quỹ đất để mở rộng vùng trồng. Tuy nhiên sản lượng mía dự kiến tăng 2% nhờ năng suất tăng và sản lượng mía đưa vào các nhà máy chế biến đường đạt 8,6 triệu tấn, tăng hơn 28% so với niên vụ trước để bù đắp nguồn cung đường bị thiếu hụt.
Các biện pháp phòng vệ áp dụng với đường Thái Lan nhập khẩu tạo thuận lợi rõ rệt tới các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, giúp các các doanh nghiệp nội địa giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, nguồn cung trong nước cũng đang giảm khi diện tích và sản lượng mía giảm nhiều trong những năm qua, dẫn tới việc 17/41 nhà máy đã đóng cửa hoặc phá sản trong các năm gần đây (theo số liệu của VSSA), sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành.
Giá đường trong nước đang ở mức cao nhất trong 4 năm qua và Công ty chứng khoán Agriseco cho rằng giá đường sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu. Thêm vào đó là tình hình thời tiết thuận lợi sẽ là động lực để mở rộng trở lại vùng trồng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, dự kiến niên độ tới sản lượng mía đưa vào ép tăng hơn 25%. Agriseco Research đánh giá các cổ phiếu ngành đường vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng trong ngắn và dài hạn.
Bên cạnh đó, cũng có những rủi ro mà nhà đầu tư cần quan tâm. Đó là vấn đề năng suất và quy mô ngành mía đường của Việt Nam thấp hơn nhiều so với Thái Lan dẫn đến tính cạnh tranh của sản phẩm đường nội địa kém hơn đường nhập khẩu. Trữ đường của Thái Lan đạt hơn 11% trong khi Việt Nam chỉ đạt 9,8% (theo số liệu của USDA và VSSA). Chưa kể, thời tiết, dịch bệnh cũng là những yếu tố cần nhà đầu tư cần chú ý trong trung, dài hạn.