Văn hóa

Du lịch Quảng Bình: Khắc phục tính thời vụ, cần bàn tay của “bà mối”

Đinh Loan 13/12/2023 - 15:44

Du lịch Quảng Bình được các Tạp chí du lịch uy tín bình chọn, đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, “Viên ngọc xanh” này còn được tạp chí The New York Times bình chọn là một trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh. Đây là một lợi thế để Quảng Bình thực hiện chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, tính thời vụ của du lịch Quảng Bình còn rất cao, phụ thuộc vào sự ưu đãi của thiên nhiên đó là hang động.

Một hay hai điểm không thể làm nên cú hích mạnh

Từ tháng 8/2023, du lịch Quảng Bình có Bang Onsen Spa & Resort - tổ hợp nghỉ dưỡng suối nước nóng của Tập đoàn Trường Thịnh đưa vào khai thác. Con số Bang Onsen Spa & Resort báo báo là gần 8.000 khách lưu trú, chưa kể khách đến tham quan và hưởng thụ các dịch vụ ở đây.

Đầu tháng 11/2023, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã vinh danh Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là một trong những “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023” và là làng duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá này. Với địa thế đặc trưng, Tân Hóa thường được coi là vùng “rốn lũ” khi thường xuyên ngập chìm trong nước lũ nhiều ngày liền. Sau trận lũ lịch sử năm 2010, vào năm 2011 người dân xã Tân Hoá đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ”.

Những năm trở lại đây, người dân Tân Hóa đã tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Với sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Tân Hóa trở thành làng du lịch thích ứng thời tiết với các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng.

Hai địa điểm “hot” trên, mang đến những nét mới mẻ cho du lịch Quảng Bình. Tuy nhiên, chỉ một, hai điểm đến trên không thể gọi là khắc phục tính mùa vụ của du lịch.

32dcfa4a22ed8bb3d2fc.jpg
Vẻ đẹp của Phong Nha - Kẻ Bàng thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Muốn khắc phục tính thời vụ, thì du lịch Quảng Bình cần nhìn nhận một cách thực tiễn và nghiêm túc nhất, không trông trông chờ thụ động, đỗ lỗi cho câu chuyện thời tiết.

Ông Nguyễn Cường, Giám đốc Nụ cười Mới Hà Nội chia sẻ, du lịch Quảng Bình cần năng động hơn, ví như các điểm đến cần hạ giá và có cách tiếp thị kích cầu bài bản hơn. Thời điểm hết mùa khách đoàn thì đến mùa khách học sinh, sinh viên đi thực tế, các điểm đến, cùng các nhà hàng, khách sạn nên có cách làm nhanh nhạy chào hàng ngay để các công ty định hướng cho khách.

“Theo tôi, cách làm này các doanh nghiệp Quảng Bình phải chuẩn bị ngay từ những ngày đầu trong năm. Đó là có chiến lược cụ thể, hoạch định rõ ràng phân khúc thị trường và thị phần của mình. Cách đó cũng phần nào giải quyết tính mùa vụ cho Quảng Bình”, ông Cường cho hay.

Chuyên gia về du lịch Thiện Nguyễn đưa ra quan điểm: “Du lịch Quảng Bình nên nhìn nhận lại để giải bài toán mùa vụ, như mùa gì, có vụ gì, thì có hoạt động gì và ở đâu? Mùa nào nên tham gia du lịch cộng đồng? Mùa nào thám hiểm hang động?... Tôi tin, sẽ luôn có phân khúc khách hàng, quan tâm từng sản phản phẩm, loại hình du lịch thích hợp nào đó. Và khi làm truyền thông, nhóm khách hàng sẽ tìm đến. Ví như, nói sản phẩm du lịch mùa thu đông là sản phẩm gì? Cần tên gọi sản phẩm sao cho đặt trưng. Cụ thể, như về Quảng Bình mùa Thu Đông thì đi đâu? Bên cạnh đó là việc “bắt tay” của các doanh nghiệp địa phương.

Tôi nghĩ, cái khó là việc bắt tay nhau của các đơn vị tại địa phương. Dịch vụ cùng “bắt tay” hỗ trợ giá cho doanh nghiệp lữ hành địa phương, thì sẽ tạo sức cạnh tranh rất lớn so với các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Bài toán, giá tốt, truyền thông, xúc tiến mạnh thì sẽ tạo sức hút lớn. ”

Theo ông Nguyễn Tuấn Vũ, Phó Giám đốc Bang Onsen Spa & Resort, tính mùa vụ của du lịch Quảng Bình nó không còn là “đặc trưng” khi được nhìn thấy dưới góc độ thời tiết thuần túy, mà nó đã ăn vào máu của con người làm du lịch nơi đây. Một mùa làm, một mùa nghỉ. Một mùa tuyển quân, một mùa thải quân. Một mùa đầu tư, một mùa đắp chiếu. Nếu không nhìn ra và khắc phục, du lịch Quảng Bình mãi bị phụ thuộc vào thiên nhiên. Khi đó, hiển nhiên lao động không xem du lich là một nghề sống được.

“Tôi tin, không chỉ 1, 2 điểm như Bang Onsen Spa & Resort hay Tân Hóa mà còn nhiều nhà đầu tư đang khởi động. Quảng Bình chỉ nghĩ là đến, không phải nghĩ phải tìm gì, và đưa ra giải pháp gì....”, ông Vũ cho hay.

Theo chuyên gia du lịch Hoàng Bùi, chính xác thì các tỉnh thành ven biển từ Nha Trang ra đến Quảng Ninh thì nơi nào cũng có mưa bão, lũ, biến đổi khí hậu không phân định ranh giới tỉnh. Tuy nhiên, phải biết thích ứng và tạo các sản phẩm thích ứng. Quảng Bình hiện nay phần lớn các sản phẩm dựa vào các giá trị tự nhiên để xây dựng và khai thác nên chỉ cần bão, lũ là phải dừng.

Quảng Bình cần có chiến lược cho mùa thấp điểm

Ông Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nêu bật quan điểm, định hướng phát triển ngành du lịch Quảng Bình, đó là: “Phục hồi nhanh - Phát triển mạnh, bền vững” trong thời gian tới, tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi, tăng trưởng kinh tế - xã hội trong lĩnh vực du lịch; đưa du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

18a1ef3737909ecec781.jpg
Để du lịch Quảng Bình xứng tầm với thiên nhiên ưu ái ban tặng, cần quyết liệt hơn và tìm phương án giải bài toán mùa vụ.

Tỉnh Quảng Bình sẽ cho rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư công trong lĩnh vực du lịch để đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, tạo kết nối thuận lợi giữa các khu, điểm, trung tâm du lịch trên địa bàn tỉnh với các tỉnh, thành phố phát triển du lịch trong nước và quốc tế.

Đồng thời đẩy mạnh việc lan tỏa chương trình “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch bền vững. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá...

Hiện nay, việc phát triển du lịch ở Quảng Bình vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và cơ hội vốn có của tỉnh. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch chưa thực sự đồng bộ; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm, trạm dừng chân, bãi đỗ xe du lịch, các dịch vụ hỗ trợ phục vụ du khách; các loại hình sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa đa dạng, phong phú; các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú cao cấp, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp sân golf, vui chơi giải trí,... còn chậm tiến độ.

Để du lịch Quảng Bình xứng tầm với thiên nhiên ưu ái ban tặng, cần quyết liệt hơn và tìm phương án giải bài toán mùa vụ. Do đó, du lịch Quảng Bình là viên ngọc xanh cần được mài giũa.

Ngành du lịch luôn cố gắng tìm cách khắc phục những tồn tại, khắc phục tính thời vụ, tránh để tình trạng mùa hè thì quá tải, mùa Đông Xuân thì “ngái ngủ". Mỗi doanh nghiệp nên có động thái tích cực như hạ giá vé tham quan hang động, rồi các dịch vụ phụ trợ như khách sạn, xe… để thu hút nguồn khách hội thảo, học tập đến trong mùa thấp điểm. Đẩy mạnh du lịch lịch sử, hội nghị. ẩm thực. Tìm nguồn khách bền vững các nước Đông Nam Á; Khai thác tuyến bay kết nối cùng các điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước. Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu và khám phá văn hóa - lịch sử. Phát triển đa dạng thị trường khách du lịch quốc tế, tiếp tục thu hút khách, mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu và Liên bang Nga... Huy động các nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, khả năng ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư. Xây dựng văn hóa du lịch để mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên; đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển du lịch, xây dựng du lịch thông minh, đô thị thông minh...

Theo đó, Quảng Bình cần năng động hơn, ví như các điểm đến cần hạ giá và có cách tiếp thị kích cầu bài bản hơn doanh nghiệp Quảng Bình phải chuẩn bị ngay từ những ngày đầu trong năm, có chiến lược cụ thể, hoạch định rõ ràng phân khúc thị trường và thị phần của mình.

Du lịch Quảng Bình hiện tại đang dựa vào thiên nhiên, cần sự giúp sức của cơ quan chức năng như định hướng truyền thông, định hướng sản phẩm mùa vụ, bên cạnh đó cần làm “bà mối” để có cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để đưa ra sản phẩm thích hợp, tránh tình trạng chờ thời và trông chờ vào thời tiết....

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. hẳng định là điểm đến hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á. Du lịch Quảng Bình, tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về du lịch với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch, ngành, nghề du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp... qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

Các giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình, trong tương lai, du lịch Quảng Bình cần có động thái tích cực gì để đưa thương hiệu du lịch Quảng Bình “hót” hơn trên bản đồ du lịch của thế giới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Quảng Bình: Khắc phục tính thời vụ, cần bàn tay của “bà mối”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO