Hoạt động ngân hàng

Dư nợ tín dụng ngân hàng cho hợp tác xã còn khiêm tốn

ThS.Trần Trọng Triết 20/04/2024 - 09:24

Tại Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã hình thành và phát triển gần 70 năm nên có nhiều đóng góp quan trọng, trong đó đã giúp tăng trưởng kinh tế bền vững, kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp… nhưng dư nợ tín dụng cho vay các HTX còn khiêm tốn.

xoai-dong-thung-xuat-khau-sang-thi-truong-dai-loan-trung-quoc.-anh-trong-triet-3-.jpg
Dư nợ tín dụng ngân hàng cho hợp tác xã còn khiêm tốn

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 17,3 triệu hộ ở địa bàn nông thôn. Cùng với sự phát triển của kinh tế cả nước, nhiều HTX đã chủ động thay đổi mô hình hoạt động, khép kín được chuỗi giá trị, chủ động được thị trường để xuất khẩu.

Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án... Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay theo Điều 16 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung Nghị định 116).

Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với HTX, Liên hiệp HTX đạt 6.024 tỷ đồng (1.200 HTX, Liên hiệp HTX có dư nợ), giảm 1,69% so với cuối năm 2023.

Việc khơi thông nguồn vốn cho các HTX nông nghiệp không chỉ giúp các HTX nâng cao khả năng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn mà còn thúc đẩy đầu tư cho hoạt động chế biến, tiêu thụ thay vì chỉ thu gom nguyên liệu thô.

Vì thế, để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, cần hành động từ hai phía là cơ quan nhà nước và HTX, trong đó cần có tổ chức bảo lãnh vay vốn cho các HTX tăng tiếp cận vốn.

Điển hình, tại huyện An Phú, tỉnh An Giang có 2 vùng sản xuất xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở xã Khánh An và Phú Hữu, diện tích 354ha. Huyện đã cấp 61 mã số vùng trồng trên xoài keo xuất khẩu sang các thị trường New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm xoài keo của HTX Nông nghiệp Long Bình được công nhận đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao từ năm 2021 đến nay.

Huyện An Phú vừa công bố xuất khẩu lô xoài keo sang Hàn Quốc; ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ xoài keo giữa UBND huyện An Phú với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco).

Theo đó, 18 tấn xoài keo xuất sang thị trường Hàn Quốc, được HTX Nông nghiệp Long Bình ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Ngoài ra, HTX còn liên kết Công ty Antesco trong việc tạo vùng nguyên liệu xoài keo phục vụ chế biến.

Qua đó, nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm xoài theo chuỗi giá trị, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường có lợi thế cạnh tranh cao thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ và luôn đảm bảo vùng nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết...

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Long Bình Huỳnh Thanh Minh phấn khởi: “Chúng tôi mong chờ sự kiện này lâu rồi, vừa bán được xoài chất lượng, vừa thỏa thuận được giá, chúng tôi rất hài lòng với giá này. Sự kiện này giúp bà con có động lực hướng tới sản xuất sản phẩm chất lượng hơn”. Hiện nay, HTX muốn đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như HTX đang gặp khó về tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để thúc đẩy sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Bình (thành viên liên kết sản xuất xoài keo) cho biết: “Năm 2017, tôi tham gia liên kết với HTX Nông nghiệp Long Bình. Mặc dù, có nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, nhưng tôi được HTX động viên vượt khó để sản xuất, nên mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho vườn xoài. Tôi sẽ tiếp tục canh tác đảm bảo theo quy trình sản xuất tiêu thụ xoài keo bền vững, để cung ứng sản phẩm chất lượng cho các thị trường khó tính. Tuy nhiên, hiện nay tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi ngân hàng để phát triển sản xuất”.

Cũng như các doanh nghiệp, để bảo đảm xuất khẩu chính ngạch được bền vững thì việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà thị trường nhập khẩu yêu cầu luôn rất quan trọng. Trong khi đó, một bộ phận lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường… nên chưa đủ đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh với đối tác nước ngoài.

Vì thế, việc hỗ trợ thêm nguồn lực cho loại hình kinh tế này đang là nhu cầu cấp bách. Để làm được thì trước tiên phải hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý liên quan đến các hoạt động của kinh tế tập thể, HTX.

Tiếp đến là phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với những gói ưu đãi lãi suất và điều kiện vay vốn được “may đo” riêng cho đối tượng khách hàng này, giúp các HTX có dòng tiền để đào tạo người lao động, đầu tư cơ sở sản xuất...

Ngoài ra, vấn đề thay đổi tư duy kinh doanh, liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp càng cần được đẩy mạnh, giúp tạo ra những con đường nhanh hơn cho sản phẩm của các HTX tham gia thị trường quốc tế.

Tại Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2023 cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác với 2 triệu thành viên, 45 nghìn HTX với 8 triệu thành viên, 340 liên hiệp HTX với 1,7 nghìn thành viên. Đồng thời, các HTX phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản, phấn đấu có khoảng 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị...

Để phát triển chuỗi giá trị ở cấp độ HTX, kinh tế tập thể đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

(1) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư nợ tín dụng ngân hàng cho hợp tác xã còn khiêm tốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO