Nhìn ra thế giới

First Republic Bank được JPMorgan Chase mua lại sau khi phá sản

Quỳnh Duơng 02/05/2023 16:22

Sau nhiều nỗ lực “giải cứu” không thành công, First Republic Bank chính thức phá sản vào hôm 1/5  và được Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản. Ngay sau đó, FDIC đã bán lại First Republic Bank cho JPMorgan Chase thông qua hình thức đấu giá.

Không thể thuyết phục các ngân hàng khác tiếp tục giúp First Republic Bank vượt qua khủng hoảng, các nhà quản lý Mỹ đã buộc phải tuyên bố nhà băng này phá sản.

Trong cuộc đấu giá First Republic Bank chóng vánh vào cuối tuần qua, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã trở thành người chiến thắng và giành được quyền mua lại. Phần lớn tài sản và tất cả các khoản tiền gửi của First Republic Bank sẽ thuộc về JPMorgan Chase.

Việc First Republic Bank phá sản đánh dấu vụ sụp đổ ngân hàng thứ ba liên tiếp kể từ tháng 3 năm nay của Mỹ. Đây cũng là vụ sụp đổ lớn nhất kể từ sự kiện Washington Mutual trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Khi đó, JPMorgan cũng chính là tổ chức đã mua lại Washington Mutual.

Kể từ khi Silicon Valey Bank (SVB) đột ngột phá sản vào tháng 3, sự chú ý tập trung vào First Republic Bank, mắt xích yếu nhất trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Giống như SVB, có đặc thù là phục vụ cho cộng đồng các công ty công nghệ khởi nghiệp, First Republic Bank cũng là ngân hàng phục vụ cho một lĩnh vực riêng biệt và có trụ sở tại California. Ngân hàng này tập trung vào cung cấp dịch vụ tài chính cho những người Mỹ giàu có ở vùng ven biển, thu hút họ bằng các khoản thế chấp lãi suất thấp để đổi lấy tiền mặt gửi tại ngân hàng. 

Tuy nhiên, mô hình trên đã bị phá vỡ sau sự sụp đổ của SVB, khi các khách hàng của First Republic Bank ồ ạt rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi do hoảng loạn. Các tổ chức có tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao như SVB và First Republic Bank rất dễ bị tổn thương vì khách hàng thường mang tâm lý “sợ” mất tiền và họ rút tiền hàng loạt ngay khi cảm thấy tiền gửi của mình không được an toàn.

Sau khi mua lại First Republic Bank, JPMorgan sẽ nhận được khoảng 92 tỷ USD tiền gửi theo thỏa thuận, bao gồm 30 tỷ USD mà chính họ và các ngân hàng lớn khác đã “bơm” vào First Republic Bank vào tháng trước. Ngoài ra, JPMorgan sẽ tiếp quản khoản vay trị giá 173 tỷ USD và chứng khoán trị giá 30 tỷ USD.

FDIC đã đồng ý chịu phần lỗ đối với các khoản vay thế chấp và vay thương mại mà JPMorgan tiếp nhận trong giao dịch, đồng thời cung cấp hạn mức tín dụng 50 tỷ USD cho ngân hàng này. Mặt khác, JPMorgan sẽ phải thanh toán 10,6 tỷ USD cho FDIC như một phần của giao dịch. JPMorgan cũng dự kiến chi khoảng 2 tỷ USD cho phí sáp nhập trong vòng 18 tháng tới. Thương vụ ước tính sẽ mang về cho JPMorgan thêm 500 triệu USD hàng năm.

Theo FDIC, phiên đấu giá cuối tuần đã thu hút các hồ sơ tham gia từ JPMorgan Chase và PNC, cũng như sự quan tâm từ các ngân hàng khác, và đây là một “quy trình đấu giá mang tính cạnh tranh cao”. Giao dịch này sẽ tiêu tốn quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC khoảng 13 tỷ USD. Trước đó, quy trình giải quyết SVB đã làm tiêu tốn của quỹ khoảng 20 tỷ USD.

"84 chi nhánh của First Republic Bank tại 8 bang sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của JPMorgan Chase. Tất cả khách hàng gửi tiền tại First Republic Bank sẽ trở thành khách hàng của Ngân hàng JPMorgan Chase và ngân hàng này sẽ có toàn quyền truy cập vào tất cả các khoản tiền gửi”, FDIC cho biết trong tuyên bố mới nhất.

Trong khi đó, Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của JPMorgan chia sẻ: “Chính phủ đã mời chúng tôi cùng một số ngân hàng khác tham gia, và chúng tôi đã thực hiện. Thương vụ mua lại này mang lại một khoản lợi ích nhỏ cho ngân hàng của chúng tôi nói chung và cũng mang lại lợi ích cho các cổ đông, thúc đẩy hơn nữa chiến lược phát triển ngân hàng”.

Phản hồi sau sự kiện, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục lên tiếng trấn an những lo lắng xung quanh hệ thống tài chính nước này.

"Hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động mạnh mẽ và linh hoạt. Người Mỹ nên tin tưởng vào sự an toàn của các khoản tiền gửi và khả năng thực hiện chức năng thiết yếu là cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và gia đình của hệ thống ngân hàng”, phát ngôn viên của Bộ Tài chính cho biết.

Việc cạn kiệt tiền gửi bắt từ quý đầu năm buộc First Republic Bank phải đi vay khắp các công cụ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để duy trì hoạt động. Điều này đã gây áp lực lên lợi nhuận của ngân hàng vì chi phí huy động vốn hiện đang ở mức rất cao do lãi suất thắt chặt. Theo chiến lược gia Doug Peta của BCA Research, First Republic Bank chiếm 72% tổng số khoản vay từ cửa sổ chiết khấu của FED gần đây.

Ngày 24/4, Michael Roffler, Giám đốc điều hành First Republic Bank cho biết ngân hàng đã ổn định hơn sau tháng 3 sóng gió, tình trạng rút tiền gửi hàng loạt giảm dần trong một vài tuần gần thời điểm đó.

Các cố vấn của First Republic Bank đã kỳ vọng có thể thuyết phục được các ngân hàng lớn nhất của Mỹ giúp đỡ ngân hàng này một lần nữa. Theo một kế hoạch được tiết lộ, họ yêu cầu các ngân hàng lớn trả lãi suất cao hơn thị trường cho trái phiếu trên bảng cân đối kế toán của First Republic Bank, điều này sẽ cho phép First Republic Bank huy động vốn từ các nguồn khác.

Nhưng cuối cùng, các ngân hàng lớn trước đó hợp tác với nhau vào tháng 3 để bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào First Republic Bank, đã không thể thống nhất về kế hoạch giải cứu, buộc các nhà quản lý phải chấm dứt hoạt động ngân hàng này sau 38 năm thành lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
First Republic Bank được JPMorgan Chase mua lại sau khi phá sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO