Bất động sản

Gần 330.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2024

Uyên Tô 14/11/2023 - 10:47

Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây.

Trong văn bản kiến nghị mới nhất gửi Bộ Tài chính, HoREA cho biết, quý IV/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10, các doanh nghiệp đã mua lại 13.645 tỷ đồng trái phiếu, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý III trước đó, hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn có sự chững lại. Theo thống kê của VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý III/2023 chỉ đạt gần 57.259 tỷ đồng, giảm 31,9% so với quý II/2023 và giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 195.701 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tương đương 91% giá trị phát hành. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 47,8% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 93.490 tỷ đồng).

Tốc độ mua lại trước hạn có xu hướng giảm kể từ tháng 8 do áp lực trả nợ trái phiếu lớn trong khi nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.

Mặc dù vậy, HoREA cho rằng, Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã có bước “chạy đà” rất tốt trong 8 tháng qua và bước đầu đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn cao điểm quý cuối năm.

Trong 2 tháng cuối năm 2023, VBMA ước tính sẽ có khoảng 41.009 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng giá trị khoảng 1.006 tỷ đồng và 47 mã trái phiếu được gia hạn/thay đổi lãi suất.

40% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn trong 2 tháng cuối năm thuộc nhóm Bất động sản với hơn 15.631 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 7.530 tỷ đồng (chiếm 19%).

Riêng trong tháng 11, theo ước tính của VNDIRECT, sẽ có khoảng hơn 8.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, thấp hơn đáng kể so với giá trị đáo hạn trong các tháng vừa qua.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ đè nặng lên doanh nghiệp trong năm sau. Sang năm 2024, HoREA cho biết giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng cao nhất trong 3 năm gần đây (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng, năm 2023 là 271.400 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn).

Áp lực đáo hạn cũng được chuyên gia VNDIRECT đánh giá sẽ hạ nhiệt trong quý I/2024 và sau đó sẽ tăng mạnh trở lại trong quý II/2024.

Trước tình hình đó, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài gia hạn hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024 (thay vì ngày 31/12/2023) để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp.

Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với các quy định sau đây tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023:

1. Quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP;

2. Quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành tại khoản 7, khoản 8 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ- CP;

3. Quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu tại điểm e khoản 2 Điều 12 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP.

Lý giải cho đề xuất trên, HoREA cho rằng nếu không gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thì hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ kể từ ngày 1/1/2024 có thể sẽ gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư trái phiếu cá nhân có thể chưa đáp ứng được ngay các điều kiện quy định, nhất là hai điều kiện về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

"Thị trường chứng khoán cũng còn khó khăn và năng lực tài chính của không ít nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đang bị suy giảm, yếu đi", HoREA lưu ý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ khó thực hiện được quy định về điều kiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Hiện chỉ có 4 doanh nghiệp tư vấn đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp là Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (FiinRatings), Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (SaigonRatings), Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Credit), Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV).

Trong khi đó, có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 40.000 doanh nghiệp bất động sản và mới chỉ có 67 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán (chỉ chiếm tỷ lệ 4,17% trong tổng số 1.605 doanh nghiệp niêm yết).

"Chỉ cần khoảng 5-10% số doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì 4 đơn vị tư vấn đánh giá xếp hạng doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi", HoREA lưu ý và nhấn mạnh sự cần thiết của việc gia hạn hiệu lực Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 330.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO