Văn hóa

Gần 500 người đang hưởng lương hưu trên 20 triệu đồng

Nguyễn Nga 23/06/2023 11:30

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 4/2023, cả nước có 471 trường hợp đang hưởng lương hưu từ 20 triệu đồng trở lên.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định, mức hưởng lương hưu được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.

Do đó, trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều trường hợp người lao động có tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cao và số năm đóng bảo hiểm xã hội dài nên khi nghỉ hưu có mức hưởng lương hưu khá cao.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại thời điểm tháng 4/2023, cả nước có 471 trường hợp có mức hưởng lương hưu từ 20 triệu đồng trở lên.

Trong đó, mức hưởng từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng là 382 trường hợp, từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là 80 trường hợp, từ 50 triệu đồng trở lên là 9 trường hợp.

Các trường hợp này đều làm việc trong các công ty tư nhân, công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực hưởng bằng tiền ngoại tệ hoặc tiền đồng Việt Nam ở mức cao (trước năm 2007) hoặc theo mức tối đa bằng 20 lần mức lương tối thiểu chung/mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (từ năm 2007 trở đi).

Còn lại, khoảng 1,9 triệu người, chiếm 70% tổng số người hưởng lương hưu cả nước đang hưởng 3 - 7 triệu đồng/tháng. Hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng).

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện nay, người đang có mức lương hưu cao nhất cả nước với hơn 124 triệu đồng/tháng là ông P.P.N.T (cư trú tại TP.HCM).

Trước khi nghỉ hưu, ông T. là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc của một công ty. Tháng 4/2015, ông T. nghỉ hưu với mức lương hưu hơn 87,3 triệu đồng/tháng. Sau 5 lần điều chỉnh lương hưu của Nhà nước, đến tháng 6/2023, mức lương hưu của ông T. là 124.714.600 đồng/tháng.

Để có được mức lương hưu như hiện tại, ông T. đã có trên 23 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó, giai đoạn trước năm 2007 khi quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thực tế (số tiền đóng bảo hiểm xã hội không bị giới hạn mức trần), mức đóng bảo hiểm xã hội của ông T. rất cao. Có những thời điểm, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng.

Khi Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006 có hiệu lực, đã quy định mức trần tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (hoặc lương cơ sở). Theo đó, từ tháng 1/2007 đến tháng 3/2015, ông T. luôn đóng bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất theo quy định, với mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bình quân là 15,4 triệu đồng/tháng. Trong đó, gần 2 năm trước thời điểm nghỉ hưu (mức lương cơ sở khi đó là 1,15 triệu đồng), mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của ông T. là 23 triệu đồng/tháng.

Cơ quan Bảo hiểm Xã hội nhấn mạnh, tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào số năm đóng và mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Để rút khoảng cách lương hưu giữa người đóng cao với đóng thấp, luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức 29,8 triệu đồng và tăng lên 36 triệu khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7.

Hiện Bộ Lao động - Thương binh đã đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2023, mức tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được đề xuất từ 12,5 - 20,8%, tùy theo nhóm đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 500 người đang hưởng lương hưu trên 20 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO