Nhìn ra thế giới

Giá trị hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 8 năm

Đăng Tuấn 13/01/2024 06:26

Trung Quốc hiện đang đương đầu với nhiều áp lực trong thương mại khi mà nền kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại đang đối mặt với áp lực cũng như căng thẳng chính trị không sớm hạ nhiệt.

thuongmaibrinknews.jpg
Ảnh: BrinkNews.com

Xuất khẩu Trung Quốc trải qua năm sụt giảm đầu tiên tính từ năm 2016 khi mà nhu cầu toàn cầu sụt giảm và giá cả hàng hóa giảm. Như vậy, 1 trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị tổn hại.

Hải quan Trung Quốc công bố, nước này bán tổng số hàng hóa trị giá 3,38 nghìn tỷ USD cho thế giới trong năm ngoái, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị hàng hóa xuất khẩu từng tăng vọt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 khi mà nhiều người đẩy mạnh mua hàng bởi họ làm việc tại nhà.

Tuy nhiên cũng cùng thời gian trên, nhu cầu hàng hóa từ châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác giảm đi khi lãi suất tăng cao.

Nhập khẩu cả năm 2023 giảm 5,5%, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại 823 tỷ USD trong cả năm 2023.

Trung Quốc hiện đương đầu với nhiều áp lực trong thương mại khi mà nền kinh tế của nhiều nước đối tác thương mại đang đối mặt với áp lực cũng như căng thẳng chính trị không sớm hạ nhiệt. Tại nội địa, lĩnh vực bất động sản vẫn khó khăn, rủi ro giảm phát gia tăng, chính vì vậy các chuyên gia kinh tế đang kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ chính phủ.

Tình trạng giảm phát kéo dài đang làm giảm giá trị của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với người tiêu dùng nước ngoài. Chỉ số giá cả hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2023 rơi xuống ngưỡng thấp nhất nếu tính so với dữ liệu của năm 2006.

Đối với tháng 12/2023, xuất khẩu của Trung Quốc tính theo giá trị đồng USD tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 0,2%, thặng dư thương mại đạt 75 tỷ USD. Số liệu kinh tế của Trung Quốc tích cực cũng là bởi hiệu ứng so sánh với nền khá thấp cùng kỳ của năm 2022, khi đó nhập khẩu sụt giảm rất sâu do hiệu ứng từ các đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Hiện có dấu hiệu ban đầu cho thấy thương mại toàn cầu hồi phục, xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 12/2023 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán các sản phẩm bán dẫn tháng 11/2023 tăng trưởng trở lại sau khi giảm trong hơn một năm.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tháng 12/2023 giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước còn xuất khẩu sang EU hạ 1,9%.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang một số nước đối tác thương mại trong khu vực bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á đồng thời giảm. Xuất khẩu sang Nga tăng trưởng tốt trong tháng 12/2023, mức tăng ghi nhận hơn 20%. Nhập khẩu từ Australia tháng 12/2023 tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước khi mà quan hệ ngoại giao cải thiện. Nhập khẩu từ Canada hạ 40%.

Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc (NDRC) vào cuối tháng 12/2023 công bố loạt dự án đầu tư trong chương trình đầu tư đợt thứ hai, trong đó có bao gồm dự án ngăn lũ lụt và giảm thiểu thiệt hại thiên tai. Tiền để phát triển những chương trình này dự kiến sẽ được lấy từ kênh phát hành trái phiếu và kế hoạch đầu tư được công bố từ tháng 10/2023.

Cụ thể, dự kiến Trung Quốc sẽ dành ra từ 800 đến khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ, tức tương đương 140 tỷ USD huy động được từ việc phát hành trái phiếu trong quý IV/2023 để dành cho các nỗ lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Kế hoạch được NDRC công bố cho thấy, cơ quan này đã lên danh sách ước tính khoảng 9.600 dự án đầu tư với tổng số vốn ước tính khoảng 560 tỷ Nhân dân tệ.

Nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới hiện chật vật trong việc lấy lại nền tăng trưởng trong thời kỳ hậu COVID-19 bởi các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc gặp khó khi nhu cầu của người tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài đều yếu cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản ngày một tồi tệ hơn.

Việc phát hành trái phiếu bổ sung đến 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ sẽ khiến cho thâm hụt ngân sách của Trung Quốc năm 2023 tăng lên ngưỡng 3,8% GDP từ mức 3% GDP hiện nay, theo khẳng định của Tân Hoa Xã.

“Việc phát triển các dự án sẽ giúp cải thiện hệ thống ngăn lũ lụt của Trung Quốc, cơ chế cảnh báo khẩn cấp cũng như năng lực xử lý thảm họa, đồng thời giúp bảo vệ tốt hơn cho cuộc sống và tài sản của người dân, chính vì vậy các dự án có tầm quan trọng rất lớn”, theo khẳng định của NDRC.

NDRC công bố sẽ phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ khác để có thể đảm bảo các nguồn vốn được phân bổ hợp lý cho hoạt động đầu tư và rằng chất lượng xây dựng các dự án luôn ở ngưỡng cao.

Tình hình tiêu dùng yếu tại Trung Quốc khiến không ít doanh nghiệp toàn cầu lo lắng. Hãng thời trang Nike mới đây đã đưa ra cảnh báo về kinh tế Trung Quốc. Nike lo ngại nhu cầu tiêu dùng của người dân yếu sẽ có thể tiếp tục ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu tại Trung Quốc bất chấp nỗ lực của Trung Quốc trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 8 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO