Giá vàng tiếp tục tăng mạnh

Minh Hoàng| 06/08/2020 10:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Ngân hàng Nhà nước cho rằng giá vàng tăng mạnh chủ yếu là do nhu cầu đầu tư ngày càng tăng.

Trong phiên giao dịch sáng nay (6/8), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng khu vực TP. Hồ Chí Minh ở mức 58,6 - 59,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 700.000 đồng so với phiên trước đó. Vàng miếng SJC tại Hà Nội cũng có mức giá tương tự.

Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng tăng mạnh giá ở cả hai chiều, đẩy giá vàng miếng lên mức 58,4 - 59,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng tăng ở cả hai chiều, niêm yết ở mức 58.5 - 59.6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý cũng nâng giá ở cả hai chiều, phổ biến ở mức 58,4 - 59,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thế giới, giá vàng đã lên mức 2.039 USD. Mức giá này xếp xỉ 57,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá trong nước, thấp hơn 2 triệu đồng so với giá vàng SJC.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi diễn biến xấu của đại dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ-Trung không ngừng leo thang, sức cầu từ các quỹ ETF và đồng USD có triển vọng không sáng sủa trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh bơm tiền.

Theo các chuyên gia, xu hướng trong dài hạn vàng vẫn được dự báo có thể sẽ lên tiếp và lập các đỉnh cao kỷ lục mới, có thể là 2.500-3.000 USD/ounce khi mà các nền kinh tế hồi phục và lạm phát gia tăng từ những khối nợ khổng lồ, có nguồn gốc từ các gói kích thích kinh tế vượt đại dịch.

Ảnh minh họa

Ở một diễn biến khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông tin diễn biến thị trường vàng trong thời gian vừa qua. Theo NHNN, giá vàng quốc tế đã tăng mạnh, vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/oz. Trong ngày 5/8, có thời điểm, giá vàng quốc tế đã tăng lên mức kỷ lục 2.039 USD/oz, mức cao nhất trong lịch sử.

NHNN cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1.000 tỷ đô la Mỹ.

Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.

Trên thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC trong nước tăng theo giá vàng quốc tế, có thời điểm tăng lên mức kỷ lục 59 triệu đồng/lượng trong ngày 5/8, mức giá cao nhất trong lịch sử. Mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế.

“Khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vàng miếng SJC duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi”, NHNN khẳng định.

NHNN dự báo trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường”, thông báo nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO