Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, kể từ 16h00 ngày 11/10, xăng E5 RON 92 giảm 1.595 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 1.798 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu cũng giảm hơn 1.000 đồng.
Cụ thể, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 21.907 đồng/lít, giảm 1.595 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; xăng RON95-III không cao hơn 23.044 đồng/lít, giảm 1.798 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Đối với các mặt hàng dầu: Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.410 đồng/lít, giảm 1.184 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; dầu hỏa không cao hơn 22.464 đồng/lít, giảm 1.352 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.238 đồng/kg, giảm 1.214 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.
Mặt hàng | Giá từ ngày 11/10 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.044 | -1.798 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.907 | -1.595 |
Dầu điêzen | 22.410 | -1.184 |
Dầu hỏa | 22.464 | -1.352 |
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng, 9 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định không trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 2-10/10/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Tâm lý thận trọng của các nhà giao dịch trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra; việc giảm kỳ vọng đối với các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện của Ả rập xê út… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu từ ngày 2-10/10 có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu thế chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 2/10/2023 và kỳ điều hành ngày 11/10/2023 là: 92,040 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 9,454 USD/thùng, tương đương giảm 9,32% so với kỳ trước); 97,021 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9,811 USD/thùng, tương đương giảm 9,18% so với kỳ trước); 113,919 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,896 USD/thùng, tương đương giảm 7,24% so với kỳ trước); 114,460 USD/thùng dầu điêzen (giảm 8,904 USD/thùng, tương đương giảm 7,22% so với kỳ trước); 484,764 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 45,687 USD/tấn, tương đương giảm 8,61% so với kỳ trước).
Trên thị trường thế giới, sáng ngày 11/10, giá dầu WTI giao dịch ở mức 86,22 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao dịch mức 88 USD/thùng, giảm 0,15 USD/thùng so với đầu giờ sáng qua.
Các nhà phân tích cho rằng, biến động giá dầu thế giới đang theo "nỗi sợ hãi" thay vì dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Cuộc đụng độ quân sự tại Trung Đông đẩy giá dầu tăng mạnh, 1 ngày sau tiếp tục biến động tăng giảm liên tục để rồi kết thúc phiên giảm nhẹ.
Hiện giới đầu tư đang theo dõi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào thứ 5 cùng với các báo cáo nguồn cung và nhu cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố vào hôm nay và ngày mai để có thêm dự đoán về diễn biến giá dầu trong thời gian sắp tới.
Như vậy, dù có xu hướng phục hồi ở hai phiên giao dịch đầu tuần nhưng nhìn tổng thể, giá dầu thế giới tuần qua đã giảm mạnh và hiện vẫn chưa thể đạt được mốc 90 USD/thùng như đầu tuần trước. Giá dầu Brent đã giảm khoảng 11%, còn giá dầu WTI giảm hơn 8%. Đây là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của giá dầu thế giới.
Ngoài ra, giới phân tích nhận định, sự tăng vọt của giá dầu có thể chỉ là một phản ứng mang tính tức thời và sẽ không kéo dài. Nguồn cung dầu trên thị trường có thể không chịu nhiều tác động trực tiếp từ cuộc xung đột (giữa lực lượng Hamas và Israel), vì cả Israel và Palestine đều không phải là những nước quan trọng trong chuỗi cung ứng dầu.