Hoạt động ngân hàng

Dòng chảy tín dụng chính sách giúp hộ nghèo vượt khó giai đoạn mới

ThS.Trần Trọng Triết 24/06/2025 14:30

Trong bức tranh phát triển bền vững của tỉnh An Giang, có một dòng chảy âm thầm và bền bỉ đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên có cuộc sống ổn định, đó là nguồn vốn tín dụng chính sách. Ở nơi ấy, nguồn vốn tín dụng chính sách như một nhánh sông lặng lẽ đang ngày ngày tưới mát những mảnh đất khô cằn, giúp cho bao gia đình vươn lên có cuộc sống ấm no, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống...

Ông Trần Thế Loan, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh An Giang chia sẻ, NHCSXH tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu quả an toàn, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động chất lượng tín dụng giai đoạn 2024 - 2025 đạt 7/10 chỉ tiêu.

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2024 đạt trên 5.551 tỷ đồng, tăng 2.157 tỷ đồng so đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ tăng trưởng 63,6%. Vốn cân đối từ Trung ương đạt 4.555 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 87,7%). Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh khoảng 158,8 tỷ đồng, tỷ lệ 2,86%/tổng dư nợ, giảm 6,9 tỷ đồng so đầu nhiệm kỳ. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 5.544 tỷ đồng, tăng 2.153 tỷ đồng so đầu nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ tăng trưởng 63,6%, với 149.730 hộ còn dư nợ. Chất lượng hoạt động tín dụng của chi nhánh đạt 94,17 điểm. Chất lượng hoạt động tín dụng 11 đơn vị phòng giao dịch xếp loại tốt, chiếm 100%. Tín dụng chính sách được chuyển tải hiệu quả hơn, mang nguồn vốn ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.

nguon-von-vay-cua-nhcsxh-tinh-an-giang-tao-them-viec-lam-nang-cao-suc-san-xuat-hang-hoa-cai-thien-d.jpg
Ảnh minh họa

Mỗi đồng vốn chính sách đều được giải ngân đúng lúc, đúng nơi, được sử dụng hiệu quả, minh bạch, tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Một con số biết nói trong bối cảnh nền kinh tế biến động và nhiều thách thức như những năm gần đây.

Trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương chuyển sang mô hình hai cấp, nhiệm vụ sắp tới là giữ nguyên mạng lưới các điểm giao dịch như hiện tại, vì yếu tố địa lý, thuận tiện giao dịch cho người dân, tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng. Từ những đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hiệu quả tín dụng chính sách minh chứng rõ nét của nguồn tín dụng được khẳng định rằng khi có cơ hội và được hướng dẫn đúng hướng, người dân sẵn sàng vươn lên, đổi mới, dựng xây cuộc sống vững vàng. Hiệu quả không chỉ đo bằng tiền vốn hay số chương trình mở rộng mà còn đo bằng nụ cười của người dân khi có vốn vay làm ăn, hay khi những đứa trẻ được tiếp tục đến trường, người bệnh được chữa chạy kịp thời.

Dòng vốn ấy không chỉ chảy vào kinh tế, mà chảy vào lòng người, khơi lên khát vọng vươn lên, thắp sáng ý chí tự lực. Ban Chấp hành Đảng bộ NHCSXH An Giang năng động, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thực hiện hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, chất lượng tín dụng ngày được nâng cao, vốn tín dụng đến trực tiếp với người dân, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Cũng theo ông Trần Thế Loan, nhiệm kỳ 2025 - 2030 (sau khi sáp nhập 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang) Đảng bộ NHCSXH tỉnh An Giang tiếp tục tranh thủ NHCSXH Trung ương tăng trưởng vốn; kịp thời tham mưu UBND tỉnh bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn gắn công tác xây dựng Đảng và hoạt động các đoàn thể.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; Cần phát huy thêm vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. trong bối cảnh tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức giao dịch tại xã/phường, đưa mọi hoạt động của NHCSXH thực hiện tại điểm giao dịch xã, luôn gần dân, sát dân...

Phấn đấu 100% người nghèo, cận nghèo được tiếp cận chương trình tín dụng và cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách khác. Tăng trưởng vốn tín dụng bình quân hàng năm đạt 10% trở lên; tăng trưởng nguồn vốn ủy thác địa phương hàng năm đạt 15% trở lên tăng trưởng dư nợ tín dụng. Đến năm 2030, tỷ lệ nguồn vốn ủy thác địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều việc phải làm. Nhưng nhìn lại hành trình đã qua, có thể nói: tín dụng chính sách không những đóng vai trò một chương trình tài chính, mà còn là một hành trình nhân văn, nơi mỗi đồng vốn mang theo tình người, mang theo khát vọng đổi đời.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy tín dụng chính sách giúp hộ nghèo vượt khó giai đoạn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO