Giải bài toán phí dịch vụ: Ngân hàng cần sự chia sẻ từ các đối tác

Lan Phương| 13/05/2020 14:25
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ngành Ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt với các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trước những khó khăn phải đối mặt, ngành Ngân hàng cũng đang rất cần sự chia sẻ khó khăn từ các đối tác.

Ngân hàng chỉ là một bên trong chuỗi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Các khoản chi phí phải chi trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử đã và đang trở thành gánh nặng cho các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những tác động tiêu cực.

Ngân hàng liên tiếp giảm phí dịch vụ thanh toán dù vẫn đang phải bù lỗ

Thực tế cho thấy, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã 3 lần liên tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng các chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng. Cuối tháng 3, NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán liên ngân hàng qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, áp dụng từ ngày 1/4 đến ngày 31/12/2020. Trước đó, NHNN có 2 lần liên tiếp chỉ đạo Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), các ngân hàng thương mại… miễn giảm các loại phí dịch vụ thanh toán và điều chỉnh giảm giá dịch vụ thông tin tín dụng…

Ngoài ra, Napas và một số TCTD có chính sách hỗ trợ phí miễn, giảm phí thanh toán trực tuyến cho một số doanh nghiệp giao thông vận tải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt, Công ty Cổ phần hàng không VietJet, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội) đến cuối năm 2020.

Đến nay, 100% các TCTD đã tham gia miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng. Tính đến cuối tháng 4/2020, sau 2 lần giảm phí, có 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc miễn, giảm phí dịch vụ là sự nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình giảm phí cũng là lý do khiến các ngân hàng phải đối mặt với không ít khó khăn. Diễn biến tiêu cực từ dịch Covid-19 khiến doanh số thanh toán đang sụt giảm mạnh, dẫn đến thực trạng thu không đủ bù chi, ngân hàng không có doanh thu từ phí thanh toán.

Minh chứng là doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm kể từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 3/2020, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ.

Tương tự như vậy, doanh số mảng thanh toán cũng giảm mạnh trong tuần đầu tháng 4, với doanh số thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ và 93% so với tháng 3. Tại một số đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT) như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong nước và nước ngoài trong tháng 3 giảm 80% so với tháng trước…

Cần sự đồng hành và chia sẻ từ các đối tác

Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 đến hoạt động ngân hàng, giới chuyên môn cho rằng, để đồng hành, hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho ngân hàng khi thực hiện chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán, rất cần sự chia sẻ và chung sức của các đối tác.

Đơn cử với mảng dịch vụ thẻ, các ngân hàng đều phải đầu tư rất nhiều, với chi phí rất lớn cho các hạng mục đầu tư hạ tầng hệ thống xử lý giao dịch thẻ, hệ thống máy ATM/EDC… đặc biệt trong giai đoạn hiện nay các ngân hàng còn phải đầu tư thêm chi phí nâng cấp hệ thống ATM/EDC/Hệ thống xử lý/hệ thống bảo mật nhiều lớp để tuân thủ các yêu cầu từ cơ quan quản lý về đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho giao dịch thanh toán thẻ. Bên cạnh đó, kế hoạch chuyển đổi thẻ theo chuẩn VCCS theo quy định của NHNN cho toàn bộ thị trường cũng khiến các ngân hàng Nam phải bỏ ra chi phí rất lớn để mua về phôi thẻ Chip, nâng cấp hệ thống và chi phí thực hiện chuyển đổi cho khách hàng…

Hay với dịch vụ viễn thông, ngoài các khoản chi phí đổi mới và đầu tư nâng cấp dành cho công nghệ, các ngân hàng vẫn đang phải chi trả các khoản chi phí cho các đối tác như: Chi phí tin nhắn phát sinh trong quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ của ngân hàng và ngân hàng phải trả cho nhà mạng/công ty cung cấp dịch vụ đầu số: tin nhắn biến động số dư tài khoản, chi tiêu thẻ, xác thực giao dịch, tin nhắn thông báo lịch trả tiền vay/sao kê thẻ…

Điều đáng nói, trong bối cảnh ngành ngân hàng cũng đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, doanh thu từ thanh toán thẻ, thanh toán điện tử giảm mạnh nhưng các ngân hàng vẫn đang phải trả mức chi phí cao, phí chồng phí cho các đối tác là tổ chức thẻ quốc tế hay các doanh nghiệp viễn thông.

Ví như: phí cho các dịch vụ thẻ, hiện tại các tổ chức thẻ quốc tế đang áp dụng cơ chế thu phí phức tạp, thu quá nhiều loại phí, phí chồng phí đối với một loại giao dịch thẻ. Thống kê trung bình, các ngân hàng thanh toán đang phải trả cho Visa và MasterCard từ 3-4 loại phí trên mỗi giao dịch. Hay phí nhà mạng viễn thông dành cho các tin nhắn SMS của ngân hàng đang cao gấp 3 lần  so với tin nhắn thông thường...

Trước thực trạng trên, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức cuối tuần qua, một trong những đề nghị được Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ nêu bật tại hội nghị là: “Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước phí tin nhắn với dịch vụ ngân hàng xuống tương đương mức giá cước phí tin nhắn thông thường, hoặc trước mắt giảm ít nhất 50% so với mức phí hiện tại, tạo điều kiện để các NHTM giảm phí dịch vụ cho khách hàng”.

Qua trả lời báo chí, ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện thẻ quốc tế mang thương hiệu Visa, MasterCard chiếm hơn 70% trên thị trường. “Do vậy nếu Visa, MasterCard giảm phí thì các ngân hàng sẽ có điều kiện giảm phí cho các điểm chấp nhận thanh toán, thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt, ngược lại nếu không giảm phí sẽ gây áp lực rất lớn cho các ngân hàng và người sử dụng thẻ”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Visa và MasterCard chẳng có thiệt thòi gì trong việc giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Vì với xu thế bùng nổ của ngân hàng số, sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thanh toán sẽ giúp bù trừ vào việc giảm phí này. Còn đối với các doanh nghiệp viễn thông, ông Hiếu cũng đề nghị, các doanh nghiệp nên căn cứ vào việc miễn, giảm thực tế của các ngân hàng để định ra mức hỗ trợ, ví như: ngân hàng giảm 50% phí cho khách hàng thì các doanh nghiệp cũng nên giảm 50% mức phí cho ngân hàng.

Nhằm đồng hành, chia sẻ khó khăn với các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã có các công văn gửi tới: Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng; công văn gửi tới tổ chức thẻ quốc tế Visa và MasterCard kiến nghị về giảm các loại phí cho các ngân hàng Việt Nam... Các kiến nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đang được các Bộ, ngành, các tổ chức hội viên đánh giá cao, thể hiện được vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội đối với các hội viên. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các ngân hàng cũng rất cần sự chung tay chia sẻ từ nhà mạng viễn thông, các tổ chức thẻ quốc tế… qua giảm phí dịch vụ tin nhắn SMS, phí dịch vụ thẻ… Điều này không chỉ giúp chia sẻ bớt gánh nặng cho các ngân hàng, mà còn đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng của các bên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán phí dịch vụ: Ngân hàng cần sự chia sẻ từ các đối tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO