Vấn đề - Nhận định

Giải "bài toán" rủi ro trong thanh toán điện tử, các ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ

Minh Ngọc 23/08/2023 13:08

Cùng với sự bùng nổi công nghệ trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng gặp phải một số thách thức, rủi ro tiềm ẩn liên quan đến lĩnh vực thanh toán. Để ngăn chặn rủi ro, các TCTD đang tích cực đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhằm cung ứng dịch vụ đa tiện ích, an toàn và bảo mật hơn cho khách hàng.

banking_technology.jpg

Ngành Ngân hàng tích cực đầu tư chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin

Đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Theo Vụ Thanh toán NHNN, ngành Ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Cùng với đó, ngành Ngân hàng thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.

chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-fsi_291159192.png
Những vấn để được các ngân hàng ưu tiên hàng đầu khi chuyển đổi số. Nguồn: NHNN

Theo khảo sát từ Viện Chiến lược NHNN, năm 2022, có gần 50% ngân hàng bỏ ra 3% chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin, khoảng 13% các ngân hàng đầu tư khoảng trên 13% chi phí đầu tư cho lĩnh vực này. Ngân sách 13% dành cho đầu tư công nghệ được xem là con số không nhỏ.

Đến nay, có 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số, sáng tạo số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0 như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số…

Các ngân hàng cũng áp dụng và liên tục cập nhật các công nghệ mới với việc gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML), ứng dụng Blockchain, làm chủ dữ liệu và tận dụng sức mạnh của Big Data ngày càng nhiều hơn. Đi kèm với đó là tăng cường sử dụng robot tự động hoá để gia tăng năng suất, hiệu quả làm việc trong nội bộ ngân hàng và trải nghiệm khách hàng.

Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, các ngân hàng đã triển khai rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mà 100% thao tác có thể được thực hiện trên kênh số như: Thanh toán, gửi tiết kiệm, cho vay… Việc thực hiện triển khai giao dịch trực tuyến đã đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19.

Hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới đã được ngân hàng cung ứng cho khách hàng và được thị trường đón nhận tích cực. Nhiều dự án chuyển đổi, nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ, quản trị rủi ro… được triển khai và đưa vào vận hành thành công, chẳng hạn như: Dự án thay thế Corebanking, chương trình Basel II, hệ thống phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, hệ thống Trade Finance mới, CTOM, RTOM.

Các giải pháp dịch vụ ngân hàng số đặc thù, chuyên biệt như: Dịch vụ quản lý dòng tiền, dịch vụ quản lý tài khoản định danh/tài khoản ảo, kết nối hệ sinh thái ERP Connection với hệ thống kế toán nội bộ của khách hàng của BIDV; Công nghệ tự động hóa Robotics Process Automation (RPA) vào quy trình cho vay cầm cố sổ tiết kiệm… cũng được nhiều ngân hàng triển khai.

Bên cạnh đầu tư công nghệ, nhân lực, nguồn lực tài chính cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ. Ví như tại Techcombank, chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến: “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số”, do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ vừa tổ chức, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh Thông tin, Ngân hàng Techcombank cho biết, Techcombank đã đầu tư khoảng 300 triệu USD về công nghệ và con người. Với phương châm lấy khách hàng là trọng tâm, ngân hàng tập trung vào các ứng dụng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng, góp phần thúc đẩy tốc độ thanh toán không dùng tiền mặt.

Rủi ro gian lận thanh toán điện tử tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Có thể nói, khi người tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc vào các giao dịch điện tử thì những vấn đề mới xuất hiện là khó có thể tránh khỏi.

amtb_s001_s001_t001.00_19_48_22.still047(1).png
Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số”

Cũng tại Tọa đàm trực tuyến trên, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đánh giá, xuyên suốt quá trình CĐS trong lĩnh vực thanh toán, rủi ro xuất phát từ những lỗi, sai sót đến từ chính các TCTD là không có. Trong quá trình CĐS, Chính phủ, NHNN luôn chỉ đạo đặt chỉ số an toàn lên trên hết, do đó các TCTD, NHTM khi triển khai hệ thống phần mềm công nghệ đều ưu tiên đảm bảo an toàn một cách tối đa. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng kẽ hở trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng. 

Nhằm cảnh báo và ngăn chặn rủi ro cho ngân hàng và khách hàng, ông Văn Anh Tuấn cho biết, Techcombank liên tục đề ra các biện pháp và truyền thông về các hình thức lừa đảo mới cùng với các bộ, ban, ngành. Song hành với đó là nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về mặt công nghệ để phòng chống gian lận. Chẳng hạn, trước đây chỉ cần tài khoản và mật khẩu, tiếp đó có xác thực OTP, tiếp theo là chỉ giao dịch trên đúng 1 chiếc điện thoại và hiện tại tiến tới kết nối với cơ sở dữ liệu công dân quốc gia để xác minh chính xác người dùng.

“Vấn đề lừa đảo không phải chỉ mới xuất hiện. Trước đây, khi chưa áp dụng công nghệ thì cũng đã xuất hiện hiện tượng lừa đảo. Vấn đề về lừa đảo sẽ luôn luôn tồn tại. Khi ngân hàng có hình thức mới, kẻ gian sẽ tìm cách để thực hiện hành vi gian lận”, đại diện Techcombank chia sẻ.

Đứng ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho rằng, có 4 nhóm khó khăn, thách thức chính đối với lĩnh vực thanh toán mà ngành Ngân hàng phải đối mặt, cụ thể như:

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Nhiều sản phẩm dịch vụ áp dụng hình thức công nghệ tiên tiến hiện đại nhưng chưa có đủ văn bản quy phạm pháp luật hay hành lang pháp lý chưa theo kịp, dẫn đến việc vận dụng cũng như ứng xử gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, tội phạm gia tăng ở mức độ cao so với nhiều năm. Ngành Ngân hàng cũng như các bộ, ngành trong thời gian qua triển khai rất quyết liệt các biện pháp ngăn chặn, song vẫn chưa theo kịp. Các vụ việc thường là xảy ra rồi mới bắt đầu xử lý.

Thứ ba, thiếu tương thích giữa các hạ tầng. Có thể nói, hiện nay, ngân hàng sử dụng dữ liệu của ngân hàng, cơ quan công an sử dụng dữ liệu của cơ quan công an (ngoại trừ Đề án 06 đang bước đầu triển khai), nhà mạng viễn thông cũng sử dụng dữ liệu riêng, không khai thác được.

Nếu như các cơ sở hạ tầng dữ liệu này tương thích và được tích hợp, kết nối thì trong trường hợp khách hàng mở tài khoản, đăng ký số điện thoại, sử dụng Mobile Banking thì ngân hàng có thể kiểm tra được số điện thoại chính chủ và người thực hiện có chính xác hay không.

Thứ tư, vấn đề con người. Tâm lý, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn còn lớn. Kỹ năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số của người dân còn nhiều hạn chế đã góp phần tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, gian lận. Kẻ gian thông qua sự thiếu hiểu biết, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng số chưa tốt của khách hàng để khai thác và qua đó thực hiện các hành vi gian lận.

Tiếp tục đầu tư các công nghệ mới, dịch vụ mới, đảm bảo tính ổn định của hệ thống

Để giải quyết “bài toán” rủi ro thanh toán, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN sẽ có những chỉ đạo quyết liệt liên quan đến vấn đề sử dụng thông tin không chính chủ. Bởi, không một kẻ lừa đảo nào sử dụng chính thông tin của bản thân để thực hiện hành vi lừa đảo mà đều thông qua việc thuê, mượn, mua, bán tài khoản. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái chung, từng bước kết hợp các hạ tầng và khai thác hiệu quả, góp phần phòng chống gian lận lừa đảo.

Về phía các NHTM, ông Văn Anh Tuấn cho biết vẫn sẽ đầu tư các công nghệ mới để đưa thêm dịch vụ. Bên cạnh đó, khi lượng giao dịch thanh toán bằng tiền mặt không còn nhiều, thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên, ngân hàng cũng đảm bảo tính ổn định cho hệ thống, đặc biệt trong những ngày thanh toán đặc biệt, số lượng giao dịch tăng đột biến.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính cũng đang hợp lực cùng với công ty thanh toán thẻ toàn cầu như Mastercard để xây dựng các giao dịch an toàn và bảo mật. Trong 5 năm vừa qua, Mastercard đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào việc tự phát triển công nghệ, mua các công nghệ mới hoặc đầu tư vào các công ty công nghệ để có thể tạo ra sự đổi mới giúp ngăn chặn tấn công và củng cố an ninh mạng. 3 năm gàn đay, tổ chức này đã ngăn chặn được 35 tỷ USD từ các cuộc tấn công mạng nhờ các công nghệ và các quan hệ đối tác.

Bà Winnie Wong - Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào - nhận định, các ngân hàng ở Việt Nam hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là một hay hai sự cải tiến, mà là một sự phát triển đổi mới liên tục. Đó là những nỗ lực không ngừng tìm kiếm các giải pháp để bảo vệ các giao dịch, phục vụ khách hàng tốt hơn và đem đến hiệu quả cho không chỉ riêng một ngân hàng mà toàn ngành Ngân hàng nói chung.

“Tất cả những điều này là những nỗ lực mà toàn ngành cần cùng nhau thực hiện với tư cách nỗ lực của quốc gia, cũng như các ngân hàng và tổ chức tài chính để tiếp tục bảo vệ và đảm bảo mọi giao dịch đều an toàn và bảo mật, đặc biệt là ở Việt Nam”, bà Winnie Wong nói.

Ngân hàng cũng sẽ liên tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho khách hành, luôn đồng hành với khách hàng trong việc giải quyết các bài toán về bảo mật. Khi nhận thức của khách hàng được nâng cao, kể cả hình thức lừa đảo mới cũng rất khó để thực hiện trót lọt.

Một khía cạnh khác mà các chuyên gia đề cập đến là người tiêu dùng. Để góp phần ngăn chặn rủi ro thanh toán, giáo dục người dùng là việc cần được đầu tư bởi cả ngành.

TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, VNBA đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với các tổ chức hội viên để bàn về vấn đề rủi ro trong lĩnh vực thanh toán, đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông. NHNN và các TCTD cũng đã cảnh báo rất nhiều và chỉ đạo các TCTD rà soát, nâng cao nhận thức cho khách hàng. Song, vấn đề mấu chốt vẫn nằm ở sự cảnh giác, thận trọng của mỗi người dân.

"Tất nhiên, không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, nhưng tôi tin chắc rằng, nếu TCTD và khách hàng có thể phối hợp để nhận thức đầy đủ, cặn kẽ các quy trình nghiệp vụ, các rủi ro trong thanh toán điện tử, đặc biệt nếu khách hàng đảm bảo không cung cấp các thông tin tài khoản cho bất cứ ai thì có thể hạn chế được trên 90% rủi ro", đại diện VNBA nhấn mạnh.

Dù công nghệ có tốt đến đâu thì đến cuối cùng hoạt động của người dùng vẫn là yếu tố then chốt. Kể cả khi có công nghệ tốt, năng lực nhân sự tốt, nếu người dùng vẫn quyết định tiến hành giao dịch thì ngân hàng không thể ngăn chặn. Do đó, thúc đẩy nhận thức là điều mà toàn ngành Ngân hàng cần chung tay.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải "bài toán" rủi ro trong thanh toán điện tử, các ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO