(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 25/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương, 2 địa phương.
Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, cơ quan: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn.
Tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân của 17 bộ ngành thuộc Tổ công tác số 3 đạt khoảng 1.585 tỷ đồng, đạt 8,77% kế hoạch, thấp hơn mức bình quân chung của của cả nước là 27,86%; 2 đơn vị chưa giải ngân được vốn kế hoạch, 1 đơn vị giải ngân được trên 20%.
Tính đến ngày 22/7, tỉnh Cao Bằng giải ngân đạt 20,1%, tỉnh Bắc Kạn đạt 22,2%.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Bắc Kạn…. đã trao đổi với đại diện các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về vướng mắc của một số dự án quan trọng đang bị chậm tiến độ do thay đổi cơ chế, chính sách trong thực hiện hợp đồng xây dựng, dự án ODA; biến động giá vật liệu, nhân công xây dựng; một số dự án trong quá trình lựa chọn nhà thầu hoặc chưa đến điểm dừng kỹ thuật để nghiệm thu khối lượng hoàn thành…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết thêm đặc thù của chi đầu tư công thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Việc giải ngân vốn đầu tư cần thời gian để thi công, tích luỹ khối lượng, phụ thuộc vào tiến độ hợp đồng mới có thể làm thủ tục thanh toán. Các dự án mới phải mất nhiều thời gian triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn. Xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, sau khi kiểm tra, đôn đốc, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã bước đầu khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, dự kiến sẽ đạt tiến độ đặt ra vào cuối năm. Đáng chú ý, những bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc phạm vi kiểm tra, đôn đốc của Tổ công tác số 3 có số vốn đầu tư công nhỏ so với các bộ, ngành, địa phương khác, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án đầu tư công.
Từ thực tế phần lớn công tác giải phóng mặt bằng dự án nằm ở các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác có văn bản đôn đốc địa phương thực hiện; đồng thời tăng cường năng lực các ban quản lý dự án…
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo là có tiền phải giải ngân được, những dự án chưa đủ thủ tục phải hoàn trả, đồng thời các chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để cấp lại vốn”, Phó Thủ tướng nói.