Giải pháp để tăng cường giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh

Nguyễn Đức Lệnh| 22/08/2022 07:18
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thực thi trách nhiệm; Hành động cụ thể và thiết thực; Truyền thông thực tế là những giải pháp được cho rằng sẽ góp phần thiết thực để tăng cường và mở rộng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 03 về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh theo Nghị quyết 11 và Nghị định 31 của Chính phủ, thông tư 03 của NHNN. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng ngân hàng đến các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, đối với các TCTD cần nhận diện rõ những vấn đề phát sinh liên quan sau 3 tháng triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó có giải pháp thiết thực để tăng cường và mở rộng giải ngân gói hỗ trợ này của Chính phủ. Trong đó cần quan tâm và thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, thực thi trách nhiệm. Đến nay, về mặt tổ chức triển khai thực hiện, tất cả các TCTD đã ở trạng thái hoàn thành và đáp ứng tốt việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ: từ việc ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ; xây dựng quy trình thực hiện; phần mềm quản lý; tập huấn thực hiện; công tác hạch toán kế toán và chế độ báo cáo. Tuy nhiên kết quả cụ thể, phản ánh bằng số liệu về dư nợ và số lượng khách hàng được hỗ trợ vẫn còn thấp. Điều này đòi hỏi các TCTD, nhất là người đứng đầu đơn vị cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm thực hiện gói hỗ trợ này, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc nhóm ngành lĩnh vực được hỗ trợ theo quy định để phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng, góp phần thực hiện nhiệm vụ của ngành Ngân hàng được Chính phủ giao.

Trách nhiệm đó gắn với yêu cầu về công tác tổ chức triển khai thực hiện; công tác truyền thông; tư vấn cho khách hàng; công tác giải ngân và hỗ trợ khách hàng bằng các số liệu và kết quả cụ thể trên cơ sở đảm bảo công khai minh bạch, đúng quy định. Chỉ có như vậy, gói hỗ trợ mới được thực thi hiệu quả, khắc phục được tâm lý thận trọng, sợ khó và sợ trách nhiệm với những lo ngại về rủi ro trong quá trình sử dụng nguồn ngân sách của Chính phủ.

Trong quá trình này, nếu có khó khăn vướng mắc về mặt chính sách, phản ánh kịp thời để được tháo gỡ và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị có cùng trách nhiệm triển khai chương trình này.

Thứ hai, hành động cụ thể và thiết thực. Đặt trong bối cảnh yêu cầu thực hiện các giải pháp tài chính tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thì đây là yếu tố khách quan, vấn đề quan trọng hiện nay là hành động cụ thể và thiết thực từ mỗi TCTD trong quá trình thực thi trách nhiệm triển khai gói hỗ trợ này để hỗ trợ doanh nghiệp, với yêu cầu cụ thể về: rà soát, phân loại dư nợ tín dụng, theo ngành lĩnh vực thuộc đối tượng được hỗ trợ, nhất là các khoản tín dụng cho vay khách hàng đã được giải ngân, chấp thuận cho vay từ đầu năm 2022 đến nay. Đối chiếu, rà soát và kiểm tra các điều kiện theo yêu cầu của Nghị quyết 11, Nghị định 31 và Thông tư 03, nếu đủ điều kiện hỗ trợ, thực hiện thông tin khách hàng, doanh nghiệp và hướng dẫn khách hàng doanh nghiệp thực hiện thủ tục để hỗ trợ cho doanh nghiệp theo đúng quy định.

Thực hiện tốt nhiệm vụ này, sẽ là hành động cụ thể và thiết thực trong việc cụ thể hóa chủ trương chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm thực thi và chắc chắn mang lại hiệu ứng tích cực cho doanh nghiệp, trong bối cảnh dư địa tăng trưởng tín dụng theo định hướng điều hành vĩ mô của Chính phủ, của ngân hàng trung ương.

Thứ ba, truyền thông thực tế. Công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền đều là nội dung được các TCTD triển khai thực hiện trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11, Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là quá trình này phải mang lại kết quả thực tế và thiết thực.

Ngoài việc đăng tải thông tin trên trang Web ngân hàng; trên tờ rơi… thì việc tư vấn, thông tin đầy đủ cho khách hàng, doanh nghiệp của ngân hàng có ý nghĩa quan trọng. Việc thông báo, thông tin cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin đầy đủ về phương thức hỗ trợ; đối tượng hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ; mục tiêu hỗ trợ…. không chỉ giúp cho doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về quyền được thụ hưởng chính sách mà còn nhận thức đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn và phát huy hiệu quả chính sách. Đó là trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và hoàn trả nợ ngân hàng, đó là trách nhiệm toàn diện của người vay vốn ngân hàng và thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Với những ý nghĩa nêu trên, các TCTD và doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm những giải pháp này, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi tổ chức, với phương châm: hành động quyết tâm, thực tiễn và trách nhiệm, bằng các việc làm cụ thể, thiết thực chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ trong điều kiện hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp để tăng cường giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO