Những quy định siết chặt giới hạn sở hữu và tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được đánh giá cao. Dù vậy, mấu chốt vẫn nằm ở khâu giám sát thực thi luật.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại tổ chức tín dụng
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cùng các thông tư, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tạo ra những thay đổi trong cấu trúc sở hữu và hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ tại hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp CLB Café Số tổ chức, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, thời gian qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định.
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, đã sửa đổi bổ sung một loạt các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tâm của các quy định mới mà NHNN đưa ra trong thời gian vừa qua gồm 2 điểm.
Một là, tiếp tục hạ trần tỷ lệ sở hữu của cổ đông, cổ đông và người có liên quan (đi liền với việc mở rộng phạm vi “người có liên quan”). Theo đó, cổ đông cá nhân không sở hữu quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, cổ đông tổ chức không sở hữu quá 10% vốn điều lệ ngân hàng, cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ ngân hàng.
Việc giảm tỷ lệ sở hữu này đã củng cố cho các nỗ lực phòng tránh rủi ro, tiêu cực cho ngành Ngân hàng, đặc biệt là tình trạng một, một số, một nhóm cổ đông có liên quan chiếm tỷ lệ lớn sẽ can thiệp, chi phối, thậm chí lũng đoạn ngân hàng.
Hai là, giảm giới hạn cấp tín dụng. Đơn cử, trước ngày 1/1/2026, TCTD (ngoại trừ TCTD phi ngân hàng) không được cấp tín dụng cho một khách hàng vượt quá 14% vốn điều lệ, một khách hàng và người có liên quan vượt quá 23% vốn điều lệ. Tỷ lệ này trước ngày 1/1/2027 lần lượt là 13% và 21%; trước ngày 1/1/2028 lần lượt là 12% và 19%; trước ngày 1/1/2029 lần lượt là 11% và 17%; sau ngày 1/1/2029 lần lượt là 10% và 15%.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, quy định này có thể gây ảnh hưởng tới một số ngân hàng hiện tại, nhưng với lộ trình kéo dài 5 năm, khả năng các ngân hàng có thể xử lý được là khá cao.
"Tựu trung lại, chúng tôi đánh giá cao những quy định siết chặt giới hạn sở hữu và tín dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật gần đây. Dù vậy, chúng tôi cho rằng mấu chốt của mọi mấu chốt vẫn nằm ở khâu giám sát thực thi luật. Đây là vướng mắc lớn nhất của Việt Nam hiện nay", Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.
PGS. Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cũng đánh giá, chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là về sở hữu chéo.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bộ luật này chỉ là quy tắc, con số. Vấn đề quan trọng là ở sự tuân thủ lại nằm trong bộ luật khác. Ông Hùng cho rằng nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thế này thì chưa đủ, nó cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát.
"Tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Các tổ chức tín dụng mới. Việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên trong thực tế, việc thực hiện điều này sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung của xã hội Việt Nam còn thấp", TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Giải bài toán thực thi Luật Các tổ chức tín dụng hiệu quả
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc thực thi Luật Các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.
Trước lo ngại đó, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị: NHNN cần ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng mới trong vòng 6 tháng đến 1 năm; Cần có cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra để Luật Tổ chức tín dụng mới có thể được thực thi một cách nghiêm túc; Không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu - người từng lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ, nguyên thành viên HĐQT độc lập của An Bình Bank - đề xuất, nghị định hướng dẫn thực thi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài thật mạnh để xử lý những ngân hàng vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần, để làm gương cho toàn thị trường.
Đơn cử tại Mỹ, ông Hiếu cho hay, quốc gia này có thông lệ Affidavit (tuyên bố hữu thệ). Trong nhiều trường hợp, các cổ đông phải “Affidavit” rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thông lệ này.
Đồng tình với chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu. PGS. Đào Hùng cũng cho rằng, các công cụ quản lý tài chính của Mỹ là rất tốt. Tuy nhiên, PGS. Đào Hùng cũng chỉ ra, các công cụ quản lý tài chính luôn biến đổi, thị trường luôn đi trước các nhà quản lý.
"Do quản lý tốt nên thị trường tài chính ở Mỹ là tốt nhất, nhưng Mỹ cũng gây ra những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không có cơ chế quản lý nào là hoàn hảo", ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, ở bên trên có chính sách thì ở bên dưới có đối sách. Nếu chính sách không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không thực hiện được, họ sẽ có đối sách để “lách”.
Đối với mô hình của tập đoàn tài chính Việt Nam, ông Hùng cho rằng, nếu ngân hàng đưa ra quá nhiều chế tài trong một tổ chức thì rất khó trong việc thực hiện. Do đó, cần nâng cao vai trò của HĐQT, trong đó có vai trò của các thành viên độc lập của HĐQT.
Tóm lại, theo Luật sư Trương Thanh Đức, luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời, thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng.