Giảm lãi suất điều hành: Nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của ngành Ngân hàng

Ngô Hải| 06/10/2020 10:08
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Lãi suy huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm sau quyết định giảm các lãi suất điều hành vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố, tuy nhiên tốc độ sẽ không rõ rệt như những lần giảm trước đó do mặt bằng hiện duy trì ở mức thấp.

Hình minh họa

Với các quyết định điều chỉnh lãi suất (tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên…) được công bố chiều ngày 30/9/2020, là lần thứ 3 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh giảm lãi suất trong năm 2020. Biên độ giảm lãi suất mỗi lần đều khá lớn (0,5%).

Trợ lực từ thanh khoản dồi dào

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), hạ lãi suất mua kỳ hạn OMO và các lãi suất chính sách khác như: lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu… nhìn chung sẽ không có nhiều tác động tới lãi suất ngắn hạn trên thị trường 1 (khu vực tổ chức và dân cư) ở thời điểm hiện tại do thanh khoản hệ thống vẫn ở mức dồi dào. “Hoạt động OMO không được thực hiện thành công mặc dù NHNN vẫn đều đặn gọi thầu trong nhiều tháng qua, cũng như lãi suất liên ngân hàng rơi về mức thấp nhất trong vòng 3 năm cho thấy thanh khoản đang dư thừa tương đối nhiều ở các NHTM”, các chuyên gia của KBSV bình luận.

Ngay sau khi NHNN công bố điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng đưa ra báo cáo cập nhật nhanh về động thái hạ lãi suất này. Trong báo cáo, các chuyên gia cũng nhận định: “Các lãi suất mới giữa NHNN và NHTM không có nhiều tác động”.

Báo cáo cho biết, các NHTM đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ NHNN. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, dù lượng bơm/hút ròng của NHNN gần như bằng 0 nhưng một lượng tiền đồng khá lớn đã được đẩy vào hệ thống ngân hàng thông qua các giao dịch mua vào ngoại tệ của NHNN, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục là 92 tỷ USD… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến tiền đồng dư thừa trong hệ thống là do đầu ra tín dụng yếu. Đến hết tháng 9/2020, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6,1%, thấp hơn cùng kỳ 2019 (tăng 8,79%), trong khi huy động vốn vẫn tăng trưởng khá tốt (đạt 7,7% tính đến ngày 22/9/2020).

Cũng theo SSI Research, trong 4 tháng gần đây, NHNN ngừng các giao dịch trên thị trường mở và lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ở mức rất thấp, chỉ 0,1-0,5%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,2-0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần, thấp hơn rất nhiều các lãi suất vay vốn mới từ NHNN.

Cùng chung nhận định, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất. “Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm”, các chuyên gia của BVSC nhấn mạnh.

Lãi suất tiền gửi được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm nhẹ

Các thống kê từ thị trường cho thấy, lãi suất tiền gửi VND đã giảm từ đầu tháng 5/2020 đến nay, tổng cộng từ 1,2 - 2,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 3-3,8%/năm, cá biệt một số ngân hàng chỉ  2,2-2,5%/năm, thấp hơn trần mới.

Giới chuyên môn đánh giá lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, về phía cung, nguồn vốn đầu vào đang rất dồi dào, từ cả phía NHNN (nghiệp vụ mua ngoại tệ) lẫn từ phía dân cư và doanh nghiệp và về phía cầu, đầu ra tín dụng yếu; thứ hai, áp lực duy trì tỷ lệ NIM phù hợp để bù đắp cho việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50-200 điểm % ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,5 – 4,0%/năm, đã thấp hơn khá nhiều mức trần mới 4,0%/năm của NHNN. Do vậy, dư địa để lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tiếp tục giảm mạnh sẽ không còn nhiều.

Xu hướng giảm cũng rõ rệt hơn ở lãi suất huy động trung và dài hạn trong vòng 3 tháng qua, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn hơn 12 tháng hiện phổ biến ở 6,0 – 7,0%. Dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại phần nào trong 3 tháng cuối năm (với các chỉ số chỉ báo như sản xuất công nghiệp, PMI và tăng trưởng bán lẻ đã phục hồi trong tháng 9) nhưng các chuyên gia của KBSV vẫn kỳ vọng: “Mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn sẽ có xu hướng giảm nhẹ từ 10-20 điểm %”.

Cũng cho rằng các yếu tố chính tác động đến lãi suất tiết kiệm thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng, các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng: “Lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1-0,3%/năm trong quý IV/2020”.

Với lần điều chỉnh giảm lãi suất này, các chuyên gia của SSI Research cho rằng, ảnh hưởng trực tiếp nhất đến thị trường trong nhóm các lãi suất điều hành này là lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn bằng VND với 5 nhóm ngành ưu tiên. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù trần lãi suất này đã được giảm 2 lần, tổng cộng 1% nhưng tăng trưởng tín dụng của nhóm DNNVV, nông nghiệp và xuất khẩu chỉ khoảng 3-4%, thấp hơn mức tăng trưởng chung. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay 5 nhóm ngành ưu tiên chiếm hơn 42% tổng dư nợ toàn hệ thống.

Dựa trên tỷ lệ cho vay ngắn hạn/tổng dư nợ trung bình của các NHTM tại thời điểm ngày 30/6/2020 là 50%, SSI Reserch ước tính tỷ lệ cho vay ngắn hạn với 5 nhóm ngành ưu tiên hiện là 20-25% tổng dư nợ hệ thống (khoảng 1,7-2,1 triệu tỷ đồng). “Giả sử, các khoản nợ này được điều chỉnh giảm 0,5%/năm theo trần lãi suất mới. Từ năm sau, người đi vay có thể giảm được từ 8,5-10,7 nghìn tỷ đồng chi phí lãi vay”, các chuyên gia của SSI Research ước tính.

Cũng theo SSI Research: “Trần lãi suất mới chỉ áp dụng với các khoản giải ngân mới hoặc các khoản vay đến kỳ điều chỉnh lãi suất nên số dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất trong quý IV/2020 sẽ khá ít, ảnh hưởng đến lợi nhuận các NHTM trong năm 2020 là không đáng kể”.

Đánh giá về quyết định giảm các lãi suất điều hành vừa được NHNN ban hành, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, động thái này tiếp tục cho thấy quan điểm nhất quán của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với động thái điều hành chung của các NHTW trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu về các tỷ lệ an toàn, lành mạnh hóa hệ thống. Đồng thời cho thấy, sự nhất quán trong chủ trưởng duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Cũng theo VCBS, các yếu tố thị trường thời điểm này đang tiếp tục ủng hộ kịch bản không xảy ra tình trạng thiếu hụt thanh khoản ít nhất từ nay tới cuối năm. Nhìn rộng ra thế giới, trong xu hướng giảm lãi suất điều hành của nhiều NHTW trên thế giới, xu hướng tăng giá của các kênh tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… sẽ vẫn tiếp diễn. “Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của nỗ lực điều hành các chính sách tiền tệ, việc phối hợp với các chính sách tài khóa là điều cần thiết”, các chuyên gia của VCBS nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm lãi suất điều hành: Nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của ngành Ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO