Hoạt động ngân hàng

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023 đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng

Quỳnh Lê 04/01/2024 10:36

Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2023.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2023, giao dịch TTKDTM đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng (so với năm 2022 tăng gần 50% về số lượng ).

Trong đó, qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,80% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị).

Giao dịch qua ATM đạt khoảng 900 giao dịch, giá trị khoảng 2,6 triệu tỷ đồng (so với năm 2022 giảm 8,84% về số lượng và hơn 9% về giá trị).

"Kết quả trên cho thấy người dân ngày càng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

z5035012199350_ee2afa604dbb0e02014d433cfbdd0202.jpg
Quang cảnh họp báo

Với thanh toán qua NAPAS, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, kết quả đạt được cũng hết sức ấn tượng. Đến cuối năm 2023 đạt trên 7,4 triệu giao dịch, giá trị đạt khoảng 54,1 triệu tỷ đồng (tăng 50% về số lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ).

Về triển khai ứng dụng cộng nghệ, việc mở tài khoản trực tuyến được triển khai từ cuối tháng 3/2021, đến nay, gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.

Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng: Toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).

Về ví điện tử, tính đến cuối tháng 12/2023, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ TGTT trên thị trường. Trong đó, dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử: 1 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử.

Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.

Về Mobile Money, sau 2 năm thí điểm đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.

3 doanh nghiệp tham gia thí điểm Mobile Money (Viettel, VNPT, MobiFone) đã mở được 11.700 điểm kinh doanh; hơn 195.000 đơn vị chấp nhận thanh toán, tạo điều kiện để người yếu thế, ở vùng sâu vùng xa tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Ngày 18/11/2023, Chính phủ đã quyết định gia hạn thời gian thí điểm Mobile Money đến 31/12/2024 theo Nghị quyết số 192/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về dịch vụ này trước tháng 5/2024.

“Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã đạt được tỷ lệ cao so với tổng số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile-Money trong thời gian vừa qua (70,12%), đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của dịch vụ Mobile-Money tại Quyết định 316/QĐ-TTg”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp các bộ, ngành đề xuất giải pháp liên quan đến dịch vụ Mobile Money.

Đối với hạ tầng thông tin tín dụng (TTTD), ông Anh Tuấn cho biết, đã đạt được những bước phát triển rõ rệt với độ phủ thông tin ngày càng mở rộng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng thông tin. Trong giai đoạn 2019-2023, TTTD đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ sở dữ liệu TTTD phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng. Đến tháng 11/2023, có 85 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 52 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile. Trong 11 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục tăng trưởng khá.

“Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, NHNN đã hợp tác với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào) để triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán bán lẻ song phương qua QR Code”, ông Anh Tuấn nói.

Để đảm bảo an toàn trong công tác thanh toán trực tuyến, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, NHNN đã ký kết với Bộ Công an tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai trong năm 2023 như phối hợp làm sạch dữ liệu của những người mở tài khoản thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Nghiên cứu, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin thông qua căn cước công dân gắn chip; Nghiên cứu để sử dụng số định danh VNeID trong việc mở và sử dụng các dịch vụ từ ngân hàng.

“Đến cuối năm 2023, NHNN đã phối hợp với Cục C06 - Bộ Công an làm sạch trên 42 triệu hồ sơ khách hàng liên quan đến cơ sở thông tin tín dụng CIC. 53 TCTD đã phối hợp với các doanh nghiệp do bộ Công an cấp phép để nghiên cứu, phối hợp đưa các giải pháp, thiết bị để xác thực người dùng bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip. 43 TCTD đã và đang triển khai kế hoạch làm sạch dữ liệu thông qua sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm.

Về phòng ngừa gian lận trong giao dịch trực tuyến, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán cho biết, hiện tại còn nhiều tài khoản ví điện tử không chính chủ. Đây là điểm mà nhiều đối tượng lợi dụng cho các hoạt động trái pháp luật. Các NHTM ghi nhận tình trạng xuất hiện các trường hợp mua bán, thuê mượn tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Trong bối cảnh lừa đảo công nghệ cao ngày càng phức tạp, nhiều người dân không ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trước tình trạng này, NHNN đã ra văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và kiểm tra các tài khoản hồ sơ không khớp giấy tờ, nghiên cứu tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Liên quan đến hoạt động thanh toán, một số TCTD lo ngại gặp khó khăn trong thực hiện một số quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Về vấn đề này, lãnh đạo Vụ Thanh toán khẳng định, mục tiêu cao nhất của quy định trên của NHNN là bảo vệ an toàn tài sản cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Do đó các TCTD phải phát huy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ khách hàng. Theo ông Tuấn, trên thực tế, Quyết định 2345 không phải đột ngột, mà ngay từ ngày 24/4/2023, khi NHNN và và Bộ Công an ký kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 cũng đã đặt ra vấn đề định hướng NHNN sẽ sử dụng dữ liệu sinh trắc học cho việc xác thực các giao dịch thanh toán.

Mặt khác, Quyết định 2345 quy định thời hạn áp dụng là từ ngày 1/7/2024 mới đưa vào áp dụng. Còn thời gian áp dụng đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt là từ ngày 1/1/2025. Do đó có đủ thời gian cho các tổ chức tín dụng nghiên cứu, trang bị, mua sắm. Cũng theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Luật Các TCTD và các quy định liên quan đều yêu cầu các tổ chức tín dụng khi mở tài khoản và khi khách hàng sử dụng tài khoản phải đảm bảo đúng chính chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt năm 2023 đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, với giá trị đạt hơn 200 triệu tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO