Góp ý Báo cáo đánh giá về “Cam kết chính sách về Môi trường – Xã hội – Quản trị ESG”

Bùi Trang| 19/11/2022 09:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 18/11, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Tổ chức FFV tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý Báo cáo đánh giá về “Cam kết chính sách về Môi trường – Xã hội – Quản trị ESG”.

 

Được biết, Tổ chức FFV (Nhóm sáng kiến công bằng tài chính Việt Nam) đã thực hiện nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Báo cáo phân tích, đánh giá, chấm điểm về “Cam kết chính sách về Môi trường – Xã hội – Quản trị ESG”. Việc xây dựng Báo cáo nhằm hỗ trợ thúc đẩy các ngân hàng thực hiện mục tiêu phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh. Nhằm chia sẻ và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Tổ chức FFV tham vấn ý kiến các ngân hàng liên quan.

Tại buổi tham vấn, các chuyên gia đã trao đổi chia sẻ thông tin về các nghiên cứu bằng chứng về những hệ lụy trong đầu tư và phát triển thủy điện tại Việt Nam. Đồng thời, cùng thảo luận về xu hướng tài chính bền vừng ngành ngân hàng – tài chính ở Việt Nam và cam kết ESG.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lĩnh vực xanh bao gồm 12 ngành, lĩnh vực, đối tượng: nông nghiệp xanh; lâm nghiệp bền vững; công nghiệp xanh; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm; bảo vệ môi trường thiên nhiên, khôi phục sinh thái và phòng chống thiên tai; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn; công trình xây dựng xanh; giao thông bền vững; cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; lĩnh vực xanh khác.

Đến ngày 30/06/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm hơn 32% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%)  Du nợ được đánh giá Rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.282 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,45% dư nợ cho vay của nền kinh tế với hơn 1,1 triệu món vay.

Để hướng dòng vốn tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, ông Nguyễn Thanh Sơn khuyến nghị các ngân hàng cần phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, hoàn thiện các quy trình, quy chế nội bộ liên quan đến công tác tín dụng xanh cũng như tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng về công tác thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Góp ý Báo cáo đánh giá về “Cam kết chính sách về Môi trường – Xã hội – Quản trị ESG”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO