(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hàng loạt công ty công nghệ lớn (Big Tech) của Trung Quốc đối mặt với án phạt từ nhà chức trách vì thông thực hiện nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế (sáp nhập M&A)
Cục Chống độc quyền Trung Quốc vừa đã phát đi thông báo về việc xử phạt các hãng công nghệ lớn (Big Tech) của Trung quốc bao gồm Tập đoàn Alibaba, Tập đoàn Tencent Holdings, Tập đoàn bán lẻ JD, Suning, Công ty Baidu vì các doanh nghiệp trên đã vi phạm nghĩa vụ thông báo khi thực hiện M&A theo Luật Chống độc quyền Trung Quốc.
Theo thông tin được công bố, các công ty công nghệ trên đã không thực hiện nghĩa vụ thông báo tới Cục Chống độc quyền Trung Quốc (The Anti-Monopoly Bureau – “AMB”) tổng cộng 43 thương vụ mua bán sáp nhập được thực hiện trong vòng 8 năm (kể từ năm 2012 cho đến nay). Cũng theo AMB, mỗi thương vụ vi phạm nghĩa vụ thông báo sẽ phải chịu mức xử phạt hành chính là 500.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 80.000 USD. Đây cũng là mức xử phạt hành chính tối đa đối với vi phạm về nghĩa vụ thông báo thực hiện M&A theo Luật Chống độc quyền Trung Quốc 2008 (China 2008 Anti-Monopoly Law).
Alibaba đã 2 lần bị cơ quan chức năng Trung Quốc phạt vì vi pham luật chống độc quyền. |
Trong 48 thương vụ bị AMB xử phạt, thương vụ xa nhất được thực hiện từ năm 2012 được bởi Công ty Baidu, và thương vụ gần đây nhất được thực hiện vào năm 2021 liên quan tới thỏa thuận giữa Công ty Baidu và Công ty sản xuất xe hơi Zhejiang Geely Holdings.
Các thương vụ đáng chú ý khác được AMB công bố có thể kể đến như thương vụ Công ty Alibaba thâu tóm Công ty phần mềm bản đồ dẫn đường AutoNavi được thực hiện vào năm 2014; Công ty Alibaba mua lại 44% cổ phần tại Ele.me – một công ty công nghệ chuyển phát đồ ăn - để trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này.
Động thái trên được cho là một phần nằm trong kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc nhằm điều chỉnh lại môi trường cạnh tranh giữa các công ty công nghệ tại quốc gia này.
Không chỉ riêng tại Trung Quốc, việc xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thông báo giao dịch M&A đã xảy ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Một số vụ việc điển hình như: Cơ quan cạnh tranh Hoa Kỳ xử phạt Công ty MacAndrews & Forbes Holdings Inc vì vi phạm quy định thông báo giao dịch M&A số tiền 720.000 USD trong thương vụ thâu tóm cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Công ty Scientific Games Corporation vào năm 2012; Năm 2011, cơ quan cạnh tranh Argentina đã xử phạt các công ty gồm Công ty GlazoSmithKline và Công ty Stiefel tổng số tiền phạt lên tới 325.000 USD vì chậm trễ nộp thông báo giao dịch; Năm 2009, Uỷ ban Châu Âu đã ban hành mức phạt lên tới 20 triệu Euro đối với Công ty Electrabel vì đã tiến hành mua lại 47,92% cổ phiếu biểu quyết tại Công ty Compagnie National du Rhône mà không thực hiện thông báo về giao dịch này cho Uỷ ban Châu Âu; Năm 2013, cơ quan cạnh tranh Pháp đã xử phạt quỹ sức khoẻ và hưu trí Réunica khi quỹ này thực hiện giao dịch mua lại quỹ đối thủ là Arpège, với tổng số tiền phạt vào khoảng 513.000 USD.
Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định nghĩa vụ thông báo bắt buộc đối với các giao dịch tập trung kinh tế dự định thực hiện thuộc ngưỡng thông báo. Các doanh nghiệp lưu ý tuân thủ pháp luật về cạnh tranh khi thực hiện các giao dịch M&A tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tính đến năm 2019, đã có 135 quốc gia trên thế giới áp dụng luật Cạnh tranh để điều chỉnh các hoạt động giao dịch M&A trên thị trường. Cũng theo OECD, đa số các quốc gia quy định việc thông báo giao dịch M&A trước khi thực hiện đối với các giao dịch thuộc ngưỡng là nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp, các quốc gia có thể kể đến như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Brazil, Việt Nam v.v... Việc không tuân thủ nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế đối với các giao dịch thuộc ngưỡng thông báo đều có nguy cơ phải đối mặt với các án phạt hành chính lớn tại các quốc gia trên.
Tại Trung Quốc, Cơ quan Quản lý thị trường (The State Administration for Market Regulation – “SARM”) là cơ quan trực thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động M&A trên thị trường theo Luật Chống độc quyền. Và Cục Chống độc quyền (“AMB”) là cơ quan trực thuộc SARM, trực tiếp thẩm định các thông báo về M&A. Trong khi đó, các Chi cục quản lý thị trường tại các tỉnh (Provincial Market Regulation Department) là các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các điều tra đối với các hành vi gây hạn chế cạnh tranh, nhưng không có quyền thẩm định hồ sơ thông báo M&A. Luật Chống độc quyền Trung Quốc quy định nghĩa vụ thông báo M&A bắt buộc đối với các công ty đạt ngưỡng doanh thu được quy định tại Luật này. |