Diễn biến bán tháo diễn ra khá bất ngờ dù cho tín hiệu giao dịch của phiên sáng nay (ngày 15/4) không xuất hiện sự tiêu cực. Với hơn 100 mã giảm sàn, VN-Index có phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2022.
Định vị thị trường
Trong ngày cuối tuần, khá nhiều diễn biến kém tích cực đã xuất hiện như chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm và xung đột tại Trung Đông leo thang sau khi Iran tấn công Israel.
Tuy nhiên, phản ứng của các thị trường chứng khoán châu Á đầu tuần giao dịch cũng không hoàn toàn giống nhau. Chỉ số TA125 (+1,4%) của Israel có phiên tăng khá mạnh sau khi đã hồi phục nhẹ vào ngày Chủ nhật. Còn SHCMP (+1,26%), SZI (+1,53%) cũng đều tăng trên 1%.
Các chỉ số như TWSE (-1,38%), NIKKEI 225 (-0,74%), STI (-1,12%), SET (-0,84%) lại xuất hiện ở chiều ngược lại. Vận động của VN-Index đã bất ngờ đi ra ngoài xu hướng chung với một phiên giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2022, mất gần 60 điểm (-4,7%).
Chất xúc tác
Áp lực về tỷ giá vẫn còn đó khi chỉ số DXY tiếp tục neo sát 106 điểm. Tỷ giá tự do tiếp tục được giao dịch quanh 25.500 VND/USD còn tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đang áp sát mức 24.100 VND/USD.
Trong khi đó, tuần qua, dù NHNN tiếp tục bơm ròng nhưng lãi suất trên kênh liên ngân hàng cũng đang khá nóng. Theo thống kê mới nhất từ Refinitiv Eikon, kỳ hạn qua đêm đã tăng lên 4,63% trong khi kỳ hạn 1 tháng là 4,58%.
Được biết, đã có 51.283,36 tỷ đồng được bơm ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở, đưa khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm xuống mức 123.049,9 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 9.999,99 tỷ đồng.
Cùng với đó, kỳ đáo hạn phái sinh tháng 4/2024 sẽ diễn ra vào ngày 17/4 tới đây cũng là sự kiện cần lưu ý với thị trường. Khối lượng mở (OI) của VN30F2404 cho đến trước phiên giao dịch đạt 50,3 nghìn đơn vị, qua đó vẫn có thể gây ra nhiều xáo trộn lên nhóm VN30.
Với nhà đầu tư nước ngoài, lực bán ròng đã tăng cường với giá trị ròng trên HOSE đạt -1.270 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 3/2024. Các mã VHM (-280 tỷ đồng), CTG (-210 tỷ đồng), SSI (-86,3 tỷ đồng), VCB (-77 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Dù vậy, theo thống kê, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm 7,4% tổng giao dịch 2 chiều trên HOSE. Điều này cũng cho thấy, mức thanh khoản gia tăng đột biến của HOSE đến chủ yếu từ hoạt động giao dịch của nhà đầu tư nội. Cụ thể, khớp lệnh của HOSE tăng gần 90% so với phiên thứ Sáu, vượt xa mức bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
Đột biến của thị trường thực sự chỉ xuất hiện trong phiên chiều từ sau 14h. Trước đó, thị trường giảm không đáng kể và khá tương đồng với diễn biến chung của cả khu vực.
Tuy nhiên, từ sau 14h, lực bán tháo ồ ạt đã bất ngờ xuất hiện. Ở nhóm VN30, các mã lớn như MSN, BCM, BID, GVR, SSI, SSI, VRE đã bị "đạp" sàn trong khi nhiều mã như TPB, TCB, VPB, STB, MBB giảm trên 5%.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng kể trên thậm chí đã hồi phục ấn tượng trong phiên thứ Sáu nhưng rốt cuộc hoạt động bán mạnh ra đã triệt tiêu hết các thành quả đã đạt được. VN30 đã mất 4,42%.
Trong khi đó VN-Index còn giảm sâu hơn, mất 60 điểm (-4,7%) xuống 1.216,61 điểm. Đây cũng là mức giảm sâu nhất của chỉ số kể từ tháng 5/2022.
Số lượng các mã giảm sàn tăng đột biến trên HOSE, lên tới 111 mã. Các mã bất động sản, cảng biển, chứng khoán, khu công nghiệp, đầu tư công ghi nhận hàng loạt mã giảm sàn như PDR, DIG, GEX, DXG, DPG, NLG, NTL, VSC, HAH, CTS, ORS, BSI, VDS, SZC, IJC, CTD, LCG, HHV… bất chấp nhiều mã còn ghi nhận sắc xanh trước 14h.
Giá trị giao dịch của toàn HOSE lên tới 33.567 tỷ đồng, vượt xa mốc 1 tỷ USD cho thấy dòng tiền đã có phiên vận động rất mạnh.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều phải gánh chịu sự bất ổn trong đó HNX-Index còn giảm 4,82%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.600 tỷ đồng.