Hệ thống hang Sơn Đoòng (Quảng Bình): Những bí ẩn nối tiếp bí ẩn

Hương Anh| 15/02/2021 07:27
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhiều thông tin về hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được công bố với những bất ngờ mới trong đó có việc phát hiện một hệ thống hang ngầm (tunnel) nằm ở độ sâu 60m và nhiều hang động tiếp tục được tìm thấy. Với phát hiện có thể nói gây chấn động này, hang Sơn Đoòng vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn đối với các chuyên gia hang động, giới khoa học trong nước và thế giới.

Hiệp hội Nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã bắt đầu khám phá các hang động ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay. Trong đó, tỉnh Quảng Bình là khu vực nổi bật nhất với hơn 350 hang động  được khám phá và lập bản đồ cùng nhiều hang động khác vẫn chưa được khám phá. Bốn hệ thống hang động tiêu biểu nhất được khám phá ở Quảng Bình đó là hệ thống hang động Phong Nha (94km), hệ thống hang động Hang Vòm (55km), hệ thống hang động Nước Moọc (23km) và hệ thống hang động Tú Làn (25km) – nằm bên ngoài khuôn viên vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Các hệ thống hang động tại Quảng Bình rất đồ sộ, ẩn chứa nhiều giá trị nghiên cứu khoa học quý giá cùng nhiều cơ hội để khám phá và thám hiểm.

Bất ngờ vượt ngoài dự kiến

Nhóm thợ lặn tham gia khảo sát thuộc BCRA do ông Martin Holroyd, chuyên gia BCRA làm Trưởng nhóm lặn cùng 3 thành viên. Đây cũng là nhóm đã đóng góp lớn cho việc giải cứu thành công đội bóng nhí Lợn Hoang tại hang Tham Luông, Chiang Rai, Thái Lan năm 2018. Nhóm lặn này thuộc nhóm top 5 chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới. Trong 30 năm thám hiểm các hang động ở Quảng Bình, các chuyên gia hang động của BCRA đã thử lặn ở một số hang nước. Việc mời các chuyên gia lặn hang động giỏi nhất thế giới đến để lặn xuống sông ngầm bên dưới hang Sơn Đoòng đã mở ra các cơ hội lớn để khám phá những bí mật và những điều mới lạ bên dưới các hang ngầm mà trước đây các chuyên gia chưa làm hoặc rất ít làm.

Mục tiêu chuyến khảo sát của các chuyên gia là tìm ra đoạn hang ngầm nối giữa hang Sơn Đoòng và hang Thung cách nhau 600m, với nhận định ban đầu là khi đạt độ sâu 25m thì đoạn sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng sẽ chạy ngang để nối với dòng sông ngầm bên trong hang Thung.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Khi nhóm chuyên gia đo độ sâu của dòng sông ngầm bằng dây thì đáy của dòng sông ngầm bên trong Sơn Đoòng nằm ở độ sâu 93m. Ở độ sâu này thì không thể dùng bình lặn nén khí thông thường để lặn, do đó các chuyên gia lặn phải tìm kiếm các điểm trần hang ngầm với độ sâu khoảng 40-50m để có thể dùng bình khí nén hiện tại cùng với hệ thống rebreath để có thể lặn bên dưới hang ngầm nhiều giờ liền. Ông Jason Mallinson, thành viên nhóm thám hiểm đã thực hiện đợt lặn ở độ sâu 77m là độ sâu để tìm kiếm lối thông qua hang Thung nhưng vẫn chưa thể tìm thấy điểm nối mà độ sâu của hang vẫn tiếp tục sâu hơn. Nhóm chuyên gia lặn hang động đã dùng bình khí heli (Helium) để có thể lặn sâu 120m đến 200m.

Qua quá trình lặn, nhóm chuyên gia đã phát hiện một hệ thống hang ngầm (tunnel) nằm ở độ sâu 60m, càng vào sâu thì hệ thống hang ngầm càng mở rộng ra. Ở độ sâu này đã sâu hơn mực nước biển tại vị trí lặn. Với phát hiện này, hang Sơn Đoòng tiếp tục trở thành điều bí ẩn đối các chuyên gia hang động và các nhà khoa học. Độ sâu của hang Sơn Đoòng tăng lên hơn 500m tính từ cửa hang cho đến đoạn cuối cùng chưa được khám phá hết. Ngoài dòng sông ngầm bên trong hang Sơn Đoòng, các chuyên gia còn lặn khảo sát tại khu vực suối Nước Moọc bên trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và tại độ sâu 74m, các chuyên gia buộc phải dừng lại vì cần thiết bị phù hợp hơn. Như vậy, theo nhận định của các chuyên gia lặn hang động lần này thì hệ thống hang động đá vôi tại Phong Nha - Kẻ Bàng được chia thành 3 tầng: hang khô, hang nước có dòng chảy và hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 93m. Do những phát hiện bất ngờ vượt ngoài dự tính nên chuyến khảo sát buộc phải dừng lại bởi thiếu những thiết bị đặc chủng cần thiết.

Cuộc thám hiểm đầy rủi ro

 

Ông Jason Mallinson cho biết, nhóm chuyên gia lặn người Anh đã lặn xuống hồ nước trong hang Sơn Đoòng gần hố sụt thứ nhất. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, họ đã lặn xuống độ sâu -77m, khiến cuộc chinh phục này trở thành hành trình lặn hang sâu nhất tại Việt Nam. Trong điều kiện tầm nhìn hạn chế và xuống độ sâu đáng kể, nhóm thợ lặn đã gặp khó khăn trong việc tìm đường. Tuy vậy, hang động cũng được mở rộng thêm 60m.

Hành trình lặn trong hồ lắng đột ngột rẽ sang trái và xuống rất dốc trong một đường hầm rộng lớn. Do tầm nhìn ngắn chỉ trong khoảng 2m nên hành trình rất khó để tiếp tục. Điểm bắt đầu của hồ được đo ở độ sâu -93m và vẫn tiếp tục sâu hơn. Các thợ lặn đã có thể xác định vị trí một mái vòm ở độ cao 60m, tuy vậy mặt đáy vẫn còn ở độ sâu chưa xác định. Một số lần lặn cần đến 2 giờ nghỉ vì lý do an toàn (giải nén), trước khi trở lại bề mặt.

Các thợ lặn đều sử dụng khí nén để lặn, vì vậy những đoạn lặn sâu hơn sẽ gây rủi ro đáng kể. Để lặn sâu hơn vào hang, họ cần lên kế hoạch kĩ càng, lặn xuống độ sâu tới - 120 m và phải sử dụng các loại khí hỗn hợp đặc biệt, có chứa không khí và heli, đặc biệt sẽ yêu cầu những đoạn lặn tới 5 giờ, chủ yếu để giải nén. Ngay cả khi các thợ lặn tìm được đường và bắt đầu trở lên mặt nước, họ vẫn sẽ phải dừng lại ở một số điểm vì lý do an toàn trước khi nổi lên khám phá những đoạn hang mới.

Với kinh nghiệm gần 30 năm lặn thám hiểm hang động khác trên khắp thế giới, theo ông Jason Mallinson cho biết, điều bất ngờ nhất của lần thám hiểm này là nhiệt độ nước rất tốt (khoảng 25 độ C). Đây là điều kiện rất thuận lợi cho thợ lặn. Tại các hang động khác thì nhiệt độ thấp, chỉ khoảng 6 độ C nên gây khó khăn lớn trong quá trình lặn. Ngoài ra, việc phát hiện một hệ thống sông ngầm nữa cũng hết sức bất ngờ, vượt ngoài dự tính của nhóm khảo sát và cũng là khác biệt rất nhiều so với hệ thống hang động khác mà nhóm đã từng thám hiểm. Kết quả khảo sát lần này đã mở ra một trang khám phá mới về hệ thống hang ngầm nằm ở độ sâu trên 90m, đồng thời mở cánh cửa cho các nhà thám hiểm hang động khảo sát thêm hệ thống hang động nằm sâu bên dưới lòng đất.

Phát hiện 12 hang, động mới ở “Vương quốc hang động” Quảng Bình

Trong năm 2020, đoàn thám hiểm BCRA đã tiếp tục phát hiện thêm 12 hang động mới ở Quảng Bình với vẻ đẹp kiêu sa, tuyệt tác từ thiên nhiên. 11 chuyên gia được chia thành 2 nhóm đi các địa điểm khác nhau trong 3 ngày để khảo sát hang động mới tại 3 huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Minh Hóa.

Qua khảo sát, đoàn thám hiểm đã phát hiện ra 12 hang mới gồm: Hang Doc Co dài 554,6 m, End Cave dài 51,5m, Dry Vom dài 413m (huyện Bố Trạch); Nước Ngầm dài 3.872m, Nước Lặn 3 dài 1.919m, Hung Thoai dài 460m, Coincidental Cave dài 100m (huyện Quảng Ninh); 3 horned Viper (PN2) dài 194.8m, Phu Nhieu 4 dài 2.012m, Cha Ra dài 314m, Thoang Lip dài 137m (huyện Minh Hóa). Tổng số chiều dài hang động mới được phát hiện và đo vẽ lần này là 10.491m. Trong đợt khảo sát hang động tại huyện Quảng Ninh, đoàn BCRA cũng đã khám phá ra một hang động dài gần 4km và một số hang động sông ngầm khác.

Các hệ thống hang động nói trên cũng là nơi toạ lạc của một số hang động hùng vĩ nhất trên thế giới, bao gồm: hang Sơn Đoòng – hang động lớn nhất hành tinh; hang Khe Ry – hang sông dài nhất thế giới và hang động dài nhất Việt Nam; Hang Én – hang lớn thứ ba thế giới; cuối cùng là Hang Va – hang động với những kiến tạo thạch nhũ hiếm có trên thế giới. Khu vực này là một trong những địa điểm hiếm hoi chưa được khám phá hoàn toàn trên trái đất, hứa hẹn sẽ được khảo sát, thám hiểm trong tương lai gần.

Các hang động khu vực này ngoài việc có kích thước khổng lồ còn có một số đặc điểm địa chất hiếm có khó tìm. Rất nhiều hang động ở khu vực Di sản thiên nhiên thế giới – Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong khu vực núi đá vôi lớn nhất thế giới, có niên đại lên đến 450 triệu năm tuổi, lâu đời nhất trong khu vực Đông Nam Á và được bảo tồn rất cẩn thận bởi Vườn Quốc gia. Với những đặc tính rất đặc biệt, có lẽ đây là khu vực hang động quý giá nhất trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống hang Sơn Đoòng (Quảng Bình): Những bí ẩn nối tiếp bí ẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO