Các Hiệp hội ngành, nghề

Hiệp hội Mía đường kêu gọi hội viên tham gia bình ổn thị trường đường

Nguyễn Huyền 30/08/2023 16:45

Trước tình hình giá đường trên thị trường có những biến động bất thường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản gửi các hội viên của hiệp hội tham gia bình ổn thị trường.

Thị trường đường đang có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá

Ngày 28/8/2023, Hiệp hội Mía đường Việt Nam có văn bản gửi các hội viên kêu gọi bình ổn giá thị trường.

Trong văn bản ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nêu rõ, giá đường trên thị trường đã có những biến động bất thường. Diễn biến thị trường cho thấy, bắt đầu có những dấu hiệu của hành vi găm hàng, tăng giá của một số đơn vị. Do vậy, mới đây ngành thực phẩm cũng có công văn kiến nghị mở rộng hạn ngạch nhập khẩu đường với tối thiểu 600.000 tấn, do các nhà máy sản xuất đường trong nước không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

VSSA đã báo cáo đến Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn về tình hình cung cầu đường năm 2023 và dự báo 2024, tham gia đề xuất ý kiến giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan (HNTQ) năm 2023, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo đó, vụ ép năm 2022 -2023, ngành đường đã thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức tương đương và thấp hơn so với các nước sản xuất mía đường lân cận bao gồm: Philippines, Indonesia và Trung Quốc. VSSA cho rằng, mức giá mía đường hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.

VSSA cũng tham gia đề xuất giải pháp điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan (HNTQ) năm 2023 phải đảm bảo phù hợp với quy định của các luật quản lý ngoại thương, quản lý cạnh tranh, đấu thầu và các cam kết quốc tế, nguồn cung cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng.

thu-hoach-mia-8348.jpg
Thu hoạch mía ở tỉnh Hậu Giang - Ảnh minh họa

Theo đó, lượng đường nhập khẩu tối thiểu theo cam kết WTO tức là 119.000 tấn, thời điểm thực hiện đấu giá là tháng 9/2023. Không quy định tỷ lệ lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu, đồng thời mở rộng các đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sản xuất mía đường và thương nhân kinh doanh thương mại đường.

Cần điều chỉnh các quy định đấu thầu

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu HNTQ để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hóa hình thức đấu giá, bảo đảm kết quả đấu giá phân giao phù hợp với các yêu cầu của Luật Cạnh tranh và Luật Đấu thầu.

“Sau khi thực hiện khối lượng đấu giá HNTQ khối lượng 119.000 tấn, nếu có dấu hiệu giá đường tăng do thiếu nguồn cung hoặc hiện tượng găm hàng tăng giá khiến giá đường vượt qua mức giá hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp sản xuất đường, các doanh nghiệp tiêu thụ đường và người tiêu dùng, VSSA xin nhận trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan năm 2023 trước khi vào vụ ép năm 2023-2024”, Chủ tịch VSSA nói.

Ông Lộc cho biết, hiện nay ngành đường đang trong giai đoạn chuẩn bị vào vụ sản xuất ép mía năm 2023-2024, và một thị trường đường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất Mía – Đường. Do vậy, VSSA khuyến cáo các hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng, giữ giá bán hiện nay là mức giá hợp lý đảm bảo được mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, không để giá đường tăng thêm nữa, tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.

Đối với những trường hợp không tuân thủ khuyến cáo nêu trên, VSSA sẽ buộc phải có những biện pháp đối phó, trong đó kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan quản lý nhà nước để đề xuất bổ sung hạn ngạch thuế quan 2023.

Ngày 23/8, Chính phủ Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023-2024 - bắt đầu từ tháng 10/2023, do lo ngại mưa giảm sẽ tác động tiêu cực đến năng suất mía. Đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này sau 7 năm.

Kể từ năm 2016, Ấn Độ đã áp thuế lên tới 20% đối với hoạt động xuất khẩu đường nhằm ưu tiên nguồn cung cho thị trường nội địa.

Tiếp theo sau lệnh cấm xuất khẩu đường của Ấn Độ. Ngày 29/8/2023, Ủy ban Điều phối Kinh tế (ECC) Pakistan đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu đường nhằm mang lại sự ổn định về giá trên thị trường địa phương.

Lệnh cấm được thông qua sau khi Bộ trưởng Tài chính tạm quyền Shamshad Akhtar chủ trì một cuộc họp của ECC xem xét tình hình đang diễn ra trong nước. Lệnh cấm được đưa ra theo đề nghị của Bộ An ninh lương thực quốc gia.

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu đường và mới đây là Pakistan sẽ khiến nguồn cung trên thế giới suy giảm đáng kể, đẩy thị trường vào một cú sốc cung mới, khiến giá hàng loạt loại lương thực, thực phẩm tăng theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp hội Mía đường kêu gọi hội viên tham gia bình ổn thị trường đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO